Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ Nông nghiệp- Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, qua đánh giá, thống kê cho thấy hiện nay nhiều loại tài nguyên khoáng sản là vật liệu không thể thiếu của ngành xây dựng trong nước nhưng sản lượng xuất khẩu hàng năm tương đối cao nên khi thực hiện xóa bỏ thuế xuất khẩu theo các cam kết quốc tế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trong nước. Mặt khác, những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới có tác động nhất định đến hoạt động xuất, nhập khẩu ở nước ta.
Ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi tọa đàm
Ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như hoạt động khoáng sản ở nước ta đã có những chuyển biến rõ nét; tình trạng cấp phép tràn lan cơ bản được khắc phục; ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu; quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã đi vào thực tế cuộc sống.
Nhìn chung, cơ chế chính sách đủ mạnh để hoạt động khoáng sản phát triển với việc cụ thể hóa theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản được tăng cường. Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản dưới Luật được các cấp triển khai đầy đủ, đồng bộ, thường xuyên và liên tục với nhiều hình thức khác nhau.
Về cơ bản, các khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khi thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Vì vậy, quy định này được dự báo là không thực tế.
Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực chưa thăm dò khoáng sản, về cơ bản là không khả thi vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá cũng không hiểu được “vật” mình đem đi bán đấu giá. Thông thường, để tổ chức bán đấu giá, người có vật bán đấu giá phải hiểu được phần nào về giá trị của vật đó. Còn tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cũng không thể hiểu được vật đem đấu giá là như thế nào, chất lượng ra sao.
Cùng với đó, giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoảng 2, điều 4, Nghị định 22/2012/NĐ-CP không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Quy định như vậy sẽ không thực tiễn. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện hành được xác định trên cơ sở mỏ đã có dự án đầu tư. Vì vậy, việc xác định giá khởi điểm rất khó triển khai, nếu có triển khai thì độ tin cậy không có, đặc biệt là đối với khu vực chưa có kết quả thăm dò.
“Chính vì những khó khăn, bất cập trên mà Luật khoáng sản 2010 đã được Quốc hội thông qua hơn 6 năm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào. Còn tại các địa phương cũng chỉ có vài mỏ được tổ chức đấu giá”, TS Lê Ái Thụ cho biết.
Hiện nay, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, sửa đổi Nghị định 22, cho phép giảm số DN tham gia đấu giá xuống còn 2, theo đúng tinh thần Nghị định 77 là đấu giá tài sản chung cùa Chính phủ trước đây.
“Như vậy, thời gian tới Bộ TN&MT có thể tổ chức đấu giá được khi Nghị định có hiệu lực từ 15/1/2017. Đây là lần đầu thực hiện nên lúng túng là không thể tránh khỏi nhưng Bộ sẽ thực hiện và rút kinh nghiệm dần dần”, ông Lại Hồng Thanh cho hay.
Định hướng phát triển về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thời kỳ tới sẽ tiếp tục quán triệt theo mục tiêu của Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. Để thực hiện, cần triển khai các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thông qua mở rộng quyền lợi cụ thể để huy động nguồn vốn xã hội hóa; khuyến khích khai thác tiết kiệm, hiệu quả, kinh tế, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; hạn chế tối đa hoặc dừng khai thác những loại khoáng sản khai thác chưa cho hiệu quả.
Ngoài ra, phải kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước thông qua tăng cường nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, HTX và phát triển hợp tác quốc tế trong hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.