Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cẩn trọng với thực phẩm dư thừa ngày Tết

Trần Huyền
Trần Huyền

Cắt đi phần mốc bị hư của thực phẩm, tái chế biến hoặc nấu đi nấu lại nhiều lần, hay dồn hết đồ ăn vào tủ đá để tích trữ và ăn dần, đây là những cách mà nhiều gia đình xử lý thức ăn thừa sau Tết.

Thực phẩm đã lên mốc, nhũn tức là đã trong quá trình phân hủy, vi khuẩn tấn công mạnh mẽ, lúc này không chỉ phần thực phẩm bị hư mà phần chưa có dấu hiệu có thể đã trong quá trình phân hủy và phát sinh các chất độc hại. 

Dự trữ thức ăn trong tủ đông không an toàn tuyệt đối, bởi không phải thức ăn nào cũng có thể để trong ngăn đông. Rã đông không đúng cách dễ khiến thực phẩm bị biến chất và hư hỏng. 

7.png
Dồn hết đồ ăn thừa ngày tết vào tủ đá để tích trữ và ăn dần, đây là những cách mà nhiều gia đình xử lý thức ăn thừa sau Tết.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Nhân - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM cho biết: “Khi lưu trữ chúng ta nên kiểm tra định kỳ tất cả thực phẩm đã được sơ chế, xem và quan sát sự thay đổi về mùi, màu sắc, có xuất hiện nấm mốc hay không. Khi phát hiện thực phẩm có vị giác và mùi vị lạ chúng ta nên loại bỏ các loại thực phẩm đó ngay”. 

Để hạn chế vấn đề lưu trữ thức ăn dẫn đến dư thừa trong ngày Tết, mỗi gia đình cần cân đối lượng thức ăn tránh dư thừa. Chúng ta có thể ước tính theo số lượng thành viên trong gia đình và sức ăn của mỗi người, dự đoán số ngày chúng ta ăn tại nhà hay ăn ngoài hoặc sẽ có bao nhiêu khách đến chơi, mà mua lượng thức ăn hợp lý. 

Tận dụng trái cây kiểng làm thực phẩm coi chừng nhiễm độc

Những loại trái cây quen thuộc được ăn hàng ngày như: Cam, bưởi, quýt, táo, nho, đu đủ,.. đều có thể trở thành cây kiểng chưng Tết. Các nhà vườn sẽ tạo ra những chậu kiểng có trái to đẹp, chín mọng.

Tuy vậy giữa việc trưng bày trang trí và sử dụng các loại trái cây này làm thực phẩm lại là câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

1.png
Tận dụng trái cây kiểng làm thực phẩm có thể gây nhiễm độc.

Thực tế các loại trái cây được trồng nhằm mục đích bán cho người tiêu dùng làm thực phẩm đồ uống, thường có quy định về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như cần thời gian ngưng thuốc trước khi thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 

PGS, TS, Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Các loại trái cây làm kiểng chỉ phục vụ nhu cầu trưng bày trang trí thường không tuân thủ theo các quy định về việc dùng thuốc, nhất là thuốc tăng trưởng và những hóa chất được phun lên để trái tươi lâu, không bị rụng khi di chuyển.

Ngoài ra để các loại trái cây này có thể ra đúng dịp Tết tươi lâu, có bề ngoài bắt mắt, người trồng có thể sử dụng thêm một số loại thuốc chuyên dụng. Vì vậy nếu sử dụng các loại trái cây kiểm làm thực phẩm sẽ không an toàn cho sức khỏe”. 

Pha Lê