Báo cáo với đoàn công tác, Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp Thành phố được cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố quan tâm, tạo nhiều điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động như: 21 quận, huyện đã có trụ sở làm việc riêng, phụ cấp công vụ cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch từ thành phố đến quận, huyện, có vài nơi phụ cấp cho cả cán bộ là công chức, cán bộ Hội thi tuyển công chức.
Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ các cấp còn có sự phối hợp đồng bộ với các ban, ngành, đoàn thể tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, thể hiện tốt vai trò, vị thế của Hội trong tình hình mới".
Các cấp hội cũng phát huy được nguồn lực, những tấm lòng nhân ái của các tầng lớp nhân dân thành phố trong hoạt động xã hội nhân đạo như: "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"; phát động phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam"; Lễ hội xuân hồng, ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, Ngày Chủ nhật đỏ; chiến dịch "Những giọt máu hồng hè",… đạt hiệu quả cao và đã trở thành một hình ảnh quen thuộc với người dân Thành phố, là chỗ dựa là niềm tin của người bệnh.
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 1.300 hội cùng hơn 1.000 quỹ từ thiện, xã hội đang hoạt động. Có 24 hội đặc thù, trong đó có Hội Chữ thập đỏ. Hoạt động của các cấp hội đã giúp phát huy được nguồn lực, quy tụ những tấm lòng nhân ái của các tầng lớp nhân dân thành phố trong hoạt động xã hội nhân đạo. "Mặc dù không phải là tổ chức chính trị xã hội, nhưng thời gian qua Hội Chữ thập đỏ Thành phố đã tham gia như một bộ phận của công tác dân vận". - Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Võ Thị Dung nhấn mạnh.
Một số hoạt động trong công tác từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung cho rằng, để giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phương tiện, kinh phí hoạt động Hội Chữ thập đỏ cũng như công tác cán bộ trong bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển,… theo cơ chế đặc thù của thành phố đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Phó Bí thư Thành ủy thành phố Võ Thị Dung đề nghị: "Công tác cán bộ bộ máy cần phải có bộ máy chuyên trách, tuy nhiên là với tình hình thực hiện nghị quyết của đảng hiện nay tinh gọn, thì bộ máy không nhất thiết phải biên chế ở tất cả các cấp, có thể đến cấp quận. Như vậy nên có bộ máy ở cấp trung ương xuống quận huyện còn tổ chức hội ở cơ sở thì có thể linh hoạt và cũng kiến nghị là Hội chữ thập đỏ có quan hệ với quốc tế, nên chăng trong luật tới đây nếu sửa đổi lại cũng nên làm rõ vai trò đó và có tăng cường phối hơp để có sự lãnh đạo về mặt chính trị".
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động nhân đạo và công tác Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh cần xác định mô hình, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh: "TP. Hồ Chí Minh hiện nay đang là đầu tàu trong công tác nhân đạo, trong chỉ ở thành phố mà tất cả các tỉnh khu vực và cũng đã hỗ trợ rất tốt cho các tỉnh tây nguyên, tây nam bô và bây giờ còn vươn ra cả các tỉnh Tây Bắc, có rất nhiều các hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện, doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho các tỉnh phía Bắc. "