Trong cuộc sống có hai kiểu người.
Kiểu thứ nhất là những người nói từ những quan sát của mình. Họ đọc một vài bài báo. Họ đi đến một số hội thảo. Họ tham dự một vài diễn đàn trên mạng. Những gì họ nói ra là kiến thức góp nhặt của người này, người kia, từ chỗ này, chỗ nọ.
Kiểu thứ hai là những người nói từ kinh nghiệm xương máu của chính họ. Họ đã trải qua nhiều vấp ngã. Họ đã bị từ chối bởi rất nhiều nhà đầu tư vì những dự án không khả thi trong quá khứ. Họ khởi nghiệp thất bại nhiều lần trước khi đạt tới thành công như hiện tại. Từng lời họ nói ra là những bài học xương máu mà sau mỗi lần thất bại họ đã đúc rút được.
Hai kiểu người ở trên rất phổ biến nếu bạn chú ý trong các mối quan hệ hàng ngày của mình. Khi bàn về một chủ đề gì đó, có những người nói không ngừng như thể họ là chuyên gia trong lĩnh vực ấy, nhưng kỳ thực những gì họ nói ra chỉ là sao chép lại từ một nguồn nào đó mà thôi. Những người này thực ra chỉ hiểu vấn đề trên bề mặt, còn về bản chất họ thực sự không nắm rõ.
Một số còn lại trầm tính hơn, ít nói hơn. Nếu chủ đề được nói tới không nằm trong phạm vi hiểu biết, thì họ sẽ lắng nghe nhiều hơn. Nếu đó là vấn đề nằm trong tầm hiểu biết, họ sẽ chia sẻ từ những trải nghiệm của bản thân, họ sẽ nói về những điều mà người chưa từng thử bắt tay vào làm sẽ không bao giờ hiểu được.
"Tôi là một người chưa bao giờ học bằng cách quan sát đơn thuần. Đó là lý do tại sao tôi đã trải qua khoảng thời gian cảm thấy vô cùng nhàm chán khi ở trường học. Tôi không thể giữ sự tập trung cho một bài giảng kéo dài 50 phút, mà ở đó giáo viên là người nói duy nhất và học sinh chỉ lắng nghe.
Tôi là kiểu người học bằng cách làm việc, bằng hành động. Tôi không muốn trở thành kiểu người chỉ biết nói lý thuyết suông, thay vào đó, tôi bắt tay vào thực hành. Tôi có vấp ngã, thậm chí thất bại rất nhiều lần. Nhưng sau mỗi lần thất bại, tôi nhận được rất nhiều bài học mà sách vở không hề dạy tôi. Và bởi vì tôi học bằng cách tự mình trải nghiệm cho nên mọi thứ tôi chia sẻ đều đến từ kinh nghiệm của chính mình", theo Nicolas Cole - Founder của Digital Press, một chuyên gia về phát triển bản thân nổi tiếng.
Trong cuộc sống, chắc chắn sẽ có lúc bạn cần người chia sẻ, cần lời khuyên từ một ai đó. Những lúc như vậy, bạn không nên tin tưởng kiểu người chỉ nói lý thuyết suông mà hãy tìm đến kiểu người thứ hai, người nói từ kinh nghiệm của chính họ. Những người chưa thực sự trải nghiệm thì khó có thể cho bạn một lời khuyên đúng đắn!
Giả sử bạn chuẩn bị khởi nghiệp, bạn cần ai đó cho bạn lời khuyên về một sản phẩm kinh doanh chiến lược của công ty. Bạn đi hỏi một người bạn đã đọc vài cuốn sách; tham gia một số hội thảo về khởi nghiệp, về bí quyết làm giàu. Anh ta cũng rất nhiệt tình chia sẻ lại với bạn những gì đọc được, nghe được.
Những gì anh ta nói nghe có vẻ đúng, nhưng lại rất chung chung, mơ hồ. Anh ta khuyên bạn rằng sản phẩm cần phải hợp với nhu cầu của khách hàng, cần biết được nhóm tiêu dùng tiềm năng là ai. Lý thuyết thì đúng, nhưng làm sao để xác định được nhóm khách hàng tiềm năng, làm sao để xác định được nhu cầu của thị trường?
Muốn nhận được lời khuyên thực sự, bạn cần phải tìm tới những người đã có kinh nghiệm. Một người đã từng khởi nghiệp thất bại nhiều lần sẽ nói cho bạn biết những gì bạn đang ảo tưởng, liệu kế hoạch của bạn có khả thi hay không, và sẽ có những khó khăn gì trước mắt. Một người đã từng đi con người như bạn sẽ cho bạn những lời khuyên từ những gì họ đã phải đối mặt và đó là bài học quý báu giúp bạn tránh mắc sai lầm tương tự.
Gặp đúng người, xin lời khuyên đúng người, và xây dựng mối quan hệ với đúng người là cách bạn tạo môi trường phát triển và có động lực phấn đấu cho bản thân. Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi quyết định đặt niềm tin vào một ai đó.
*Bài viết tham khảo từ bài đăng của tác giả Nicolas Cole trên trang Medium.