Truy tìm khách hàng theo số điện thoại...
Một lần tôi đang làm việc thì có người gọi cổng. Ra mở cửa, người đàn ông đi xe máy đến nhà, khoảng 35 tuổi, hỏi: “Đây có phải là nhà anh Ngô Hải Bình không?”. “Phải”. Có việc gì? - “Dạ, cháu là nhân viên bưu điện, mang sách mà anh Hải Bình đã đặt mua đến cho anh ấy”. - Sách gì? “Sách về gia phả”. Tôi cầm cuốn sách khổ lớn, dày, bìa cứng rất nặng, được gói trong giấy ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại người nhận. Nghe nhân viên bưu điện báo giá 335.000 đồng, tôi ngây thơ chạy vào nhà lấy tiền trả ngay. Người đàn ông cầm tiền là biến mất. Tôi mở ra coi. Cuốn sách có tựa đề “ Sổ tay hướng dẫn ghi chép gia phả, dòng tộc & Phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt”, do Mai Văn Hải sưu tầm và tuyển chọn, NXB Hồng Đức xuất bản. Sách dày 400 trang, khổ 19 x 27 cm, do Trung tâm giới thiệu sách Sài Gòn viết LỜI NÓI ĐẦU giới thiệu. Đinh ninh là con trai đầu (KTS Ngô Hải Bình) đặt mua sách nên tôi cất vào tủ.
Trưa con về, tôi hỏi chuyện, mới tá hỏa rằng: Sách được mời mua qua điện thoại di động. Những người bán sách điện đến từng người trong danh bạ điện thoại di động có họ Ngô, Nguyễn, Hoàng, Lê, Trần... tán dương giá trị cuốn sách, rồi mời mua.
Bìa cuốn sách bán qua điện thoại di động.
Con trai tôi nói: “Họ bảo đây là cuốn sách viết gia phả họ Ngô, đã nghiên cứu 20 năm trời, rất cần thiết. Mua để biết về dòng họ mình!”. Con trai tôi tưởng gia phả dòng họ Ngô toàn quốc thật, nên mới đặt mua một cuốn để nghiên cứu về họ Ngô của mình trong lịch sử. Thì ra đây chỉ là sách hướng dẫn viết gia phả, rồi lại lượm lặt thêm phong tục, tín ngưỡng đã viết trong các sách cũ, như sách của Phan Kế Bính... thêm thắt thật dày. Phần hướng dẫn cách viết gia phả chỉ có 80 trang. Rất đơn sơ, khái lược. Nực cười nhất là cuốn sách có hơn 100 trang giấy trắng, chỉ có các đề mục ở đầu trang, gọi là “Hướng dẫn cụ thể”. Tôi xem qua cuốn sách, mới biết những nội dung “bày cách viết gia phả” chỉ là những điều chung chung, không thể dựa vào đây mà viết gia phả được. Trong lúc gia phả họ Ngô nhà tôi đã viết cách đây hơn 15 năm, hàng năm có bổ sung con cháu sinh ra và trưởng thành, cùng những thành tích, chức tước rất cụ thể, chi tiết. Thế là, dù công chức về hưu nghèo, nhà tôi đã mất toi 335 ngàn đồng để mua cuốn sách vớ vẩn, không có ích gì cho việc học tập, nghiên cứu, bằng hai ngày lương hưu của vợ tôi, bằng tiền chợ hai ngày!
Nỗi khổ chẳng của riêng ai
Tuy vậy, việc làm ra sách không chất lượng cũng không đáng phàn nàn bằng chiêu trò bán sách. Thông thường nhà xuất bản xuất bản sách, rồi bán buôn cho các trung tâm phát hành sách lớn, hay các cửa hàng sách, sau thời hạn bán xong sẽ thanh toán. Hoặc, có tổ chức hay cá nhân đưa bản thảo đến xin giấy phép nhà xuất bản rồi bỏ tiền ra in, sau đó gửi nhà sách bán. Đằng này, nhiều đối tượng lại bán sách qua viễn thông, nghĩa là sử dụng các nhà mạng chém gió giới thiệu để bán sách chất lượng thấp, giá cao. Theo tôi nghĩ, đây là chiêu trò phối hợp giữa người làm sách với ngành bưu điện để “làm tiền”. Nhà mạng có đủ danh bạ điện thoại của người thuộc các dòng họ trên địa bàn. Với khách hàng họ Ngô thì bảo rằng “sách viết về gia phả họ Ngô”, với người họ Nguyễn thì lại tán “cuốn sách viết về gia phả họ Nguyễn”... để mọi người dễ tin mà đăng ký mua sách.
Hỏi chuyện trên Facebook, có rất nhiều người đã bị lừa mua sách qua điện thoại như thế. Anh Châu Văn Sơn ở Nha Trang cho biết: “Họ gọi điện thoại bảo gia phả Châu tộc ở ngoài Bắc gởi xem có trùng cụ tổ của họ Châu miền Trung không.... Sách có giá 350. 000 đồng, mở ra mới biết bị lừa, điện thoại lại thì đã tắt máy!” (FB Sơn Châu). Anh Phan Đà Hải Thanh cũng kể rằng: “Cách đây một tháng, em nhận điện thoại mời mua sách gia phả họ Phan, có ghi cụ thể tên mình và gia đình.
Em cho số email, nói chụp trang nào có viết cụ thể rồi đặt mua. Họ nói bí mật không thể công bố rộng rãi, sách hiếm, bán trực tiếp cho dòng họ và chả thấy email lại. Sách bán mà không công bố rộng rãi, rõ ràng chỉ lừa những ai đặt tiền hoặc đặt mua sách” (FB Đà Hải Thanh Phan).
Cũng bị lừa bán sách qua điện thoại, anh Tạ Anh Ngôi tâm sự: “Cách nay 2 năm tôi nhận được cuộc điên thoại mời mua cuốn "Những dòng họ Việt Nam", cẩn thận tôi hỏi lại có dòng họ Tạ không? Người tiếp thị trả lời là không những có mà còn rất chi tiết và hữu dụng cho việc sưu tầm nghiên cứu. Bởi muốn nghiên cứu về dòng họ nhà mình nên tôi đặt mua. Nhưng khi nhận sách thì tôi hoàn toàn thất vọng vì nội dung rất sơ sài. Ở phần họ Tạ mà tôi kỳ vọng sẽ có hiểu biết thêm qua sách thì chỉ ghi được đúng hai người. Liên tiếp sau đó tôi cũng bị làm phiền vì rất nhiều cuộc gọi mời mua sách như vậy” (FB Anh Ngôi Tạ).
Tăng cường quản lý thông tin khách hàng
Thừa nhận mình cũng bị làm phiền với kiểu chào bán sách qua điện thoại, chị Nguyễn Lâm Cẩn tỏ ra tức tối: “Tôi bị họ gọi điện đến liên tục về loại sách này. Đó là sự khủng bố nhức nhối!” ( FB Cẩn Lâm Nguyễn).
Theo tìm hiểu, có rất nhiều đầu sách được lừa bán qua điện thoại như: “Doanh nhân Việt Nam vàng”, “100 Doanh nhân Việt Nam hàng đầu”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”... Đa phần đó là những cuốn sách dày, khổ lớn, in giấy cut sê, giấy ảnh rất bắt mắt. Song về nội dung, thực ra đây là những sách đăng quảng cáo của các doanh nghiệp. Họ thu tiền quảng cáo một trang ba bốn chục triệu đồng, rồi lại lừa bán sách in quảng cáo ấy cho doanh nghiệp khác...
Cuốn sách: “Sổ tay hướng dẫn ghi chép gia phả dòng tộc & phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt” mà con tôi đặt mua với giá 335 ngàn đồng, bây giờ để ở bàn cho đứa cháu nội mới vào lớp 1 tập đánh vần và trẻ con chưa đi học chữ thì nghịch chơi. Vậy mà sau đó vài ba hôm tôi lại nhận tiếp những cú điện thoại mời mua sách kiểu này. Xin cảnh báo để bạn đọc cảnh giác, khỏi mắc lừa. Tôi cũng thiết tha đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông và ngành viễn thông tăng cường quản lý các nhà mạng nhằm sớm chấm dứt tình trạng bán thông tin khách hàng cho đối tác có nhu cầu. Có như vậy, khách hàng không bị làm phiền bởi trò lừa bán sách và nhiều loại hàng hóa khác qua điện thoại di động...