Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cảnh báo gia tăng TNLĐ ngành xây dựng

Trong những năm gần đây, xây dựng là ngành có tốc độ phát triển nhanh. Tại hầu hết các tỉnh, thành hiện nay đều có những công trường lớn nhỏ, từ công trình trọng điểm quốc gia đến những công trình xây dựng khu công nghiệp,thương mại dân dụng... thu hút hàng chục vạn lao động tham gia. Bên cạnh những Cty, doanh nghiệp sử dụng lao động được đào tạo tương đối bài bản, trang bị phương tiện máy móc, dụng cụ đảm bảo an toàn lao động(ATLĐ), vẫn còn nhiều nơi sử dụng lao động chưa qua đào tạo, việc huấn luyện đảm bảo ATLĐ, bị buông lỏng…

*Luôn tiềm ẩn xảy ra tai nạn

 Theo Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Nguyễn Văn Ất, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng số vụ tai nạn trong ngành xây dựng.

Hiện nay, làm việc tại các công trình xây dựng đa phần là lao động phổ thông từ nông thôn, thường xuyên làm việc nặng nhọc trong điều kiện không đảm bảo ATLĐ. Trong khi đó, tại các công trình đều chỉ có bộ khung quản lý, điều hành bao gồm các kỹ sư, công nhân vận hành máy móc, thiết bị cơ giới và một số rất ít thợ lành nghề.

Còn việc xây trát, ốp, kè, sơn vôi, trộn bê tông, gia công cốt thép…đều do lao động phổ thông  đảm nhiệm. Việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trên các công trường xây dựng đều thiếu, không đạt chuẩn, công tác huấn luyện, đảm bảo ATLĐ cho người lao động rất sơ sài.

 “Người lao động không được đào tạo, nắm bắt qui trình đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, dẫn đến nhiều vụ tai nạn xảy ra lỗi do người sử dụng như: vận thăng chỉ được phép chở hàng, nhưng lại dùng chở người, khi tụt, đứt cáp làm chết người, máy gạt cán chết công nhân, băng tải kẹt chết người vận hành…”-ông Ất phân tích.

Ngành xây dựng luôn tiềm ẩn xảy ra TNLĐNgành xây dựng luôn tiềm ẩn xảy ra TNLĐ.

Anh Nguyễn Văn Thao, quê ở huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) làm nghề phụ hồ, cho biết: “Quá trình thi công những công trình từ 2 đến 3 tầng, chúng tôi hầu như không đội mũ bảo hiểm vì rất vướng víu, bất tiện. Còn giày, ủng bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng vì không quen”.

Hiện tại nhiều công trường thi công kéo dài tại khu đô thị có đông người qua lại hệ thống che chắn, sàn thao tác, lan can bảo vệ, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, biển cấm nguy hiểm đều rất sơ sài…Sự chủ quan, bỏ qua các quy định về bảo đảm an toàn trong khi làm việc, là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ TNLĐ làm chết, bị thương nhiều người.

*Kiểm soát như thế nào?

Trao đổi xung quanh các vụ TNLĐ tại các công trường xây dựng xảy ra nhiều gần đây, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Tất Thắng cho biết: “Về phía cơ quan quản lý nhà nước ATLĐ, chúng tôi xác định đây là lĩnh vực cần phải quan tâm nhiều hơn. Trong dự án tài trợ của Nhật Bản về tăng cường, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), cũng đã khuyến cáo cần trung đầu tư kiểm soát lĩnh vực đảm bảo an toàn xây dựng”.

Về lâu dài, để đảm bảo kiểm soát, giảm thiểu TNLĐ trong ngành xây dựng,  ông Hà Tất Thắng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trong đó quy định về phân cấp trách nhiệm trong hệ thống tổ chức công tác ATVSLĐ từ bộ đến các sở, ban, ngành của địa phương trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về công tác này.

Tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thực hiện, lưu ý đến đặc thù của ngành xây dựng. Nghiên cứu đổi mới phương pháp huấn luyện ATVSLĐ theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đặc biệt chú ý huấn luyện đối với những lao động mới tuyển dụng và những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cao, dưới hầm sâu, trong thùng kín, nơi cheo leo nguy hiểm hoặc tiếp xúc, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...

Về phía người sử dụng lao động, cần tuân thủ các quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình thi công, áp dụng các biện pháp thật nghiêm khắc đối với người lao động; duy trì thường xuyên việc kiểm tra độ an toàn của máy móc, thiết bị, không chạy theo lợi nhuận mà nơi lỏng và khoán trắng cho người lao động. Với người lao động, phải ý thức được nguy cơ TNLĐ luôn có thể xảy ra trong quá trình làm việc, để biết cách đề phòng; chấp hành nghiêm kỷ luật lao động...

Hy vọng với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, các ngành và các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác đảm bảo an toàn lao động trong ngành xây dựng nói riêng, trong sản xuất nói chung, thời gian tới sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Năm 2014, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ với 6.941 người bị nạn, trong đó có 592 vụ có người tử vong. Tai nạn xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng. Số liệu thống kê 6 tháng cuối năm 2014 có hơn 3.000 vụ, với 3.505 người bị nạn. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn trong lĩnh vực xây dựng, chiếm 57% số vụ TNLĐ.