Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng xuất khẩu và nếu không ngăn chặn, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường tỷ USD.
Nhiều nước cảnh báo nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật
Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu nông sản vẫn còn những bất cập khi nhiều sản phẩm bị các nước cảnh báo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng. Nếu không có biện pháp khắc phục, nông sản Việt sẽ mất dần thị trường lớn.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa ban hành Quy định số 2024/3153 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các thị trường bên ngoài vào Liên minh châu Âu (EU) đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.
Cụ thể, EC quyết định tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20%, đồng thời giữ nguyên quy định kiểm tra tại phụ lục I. Quyết định này được đưa ra do tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Đối với các mặt hàng thanh long, đậu bắp và ớt, EU duy trì tần suất kiểm tra tại biên giới lần lượt ở mức 30% đối với thanh long và 50% với đậu bắp và ớt; đồng thời, yêu cầu các lô hàng này phải kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Nguyên nhân xuất phát từ việc không tuân thủ mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Các hoạt chất như Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin và Acetamiprid được phát hiện tồn dư cao trên sầu riêng, với mức vi phạm dao động từ 0,021 đến 6,3 mg/kg, trong khi quy định của EU chỉ cho phép từ 0,005 đến 0,1 mg/kg.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sầu riêng xuất khẩu sang EU vượt ngưỡng cho phép, bị nâng mức kiểm tra. Đầu năm nay, EU đã ban hành quy định yêu cầu tăng cường kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam lên 10%.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ NN&PTNT) cho hay, năm 2024, các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm.
Như vậy, bình quân 1 ngày, Văn phòng SPS Việt Nam phải nhận 3 thông báo. Trong tổng số thông báo này, chủ yếu rơi vào các thành viên của WTO mà Việt Nam đang có giao dịch như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có một số thay đổi.
Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, định kỳ 6 tháng một lần EU sẽ xem xét việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu để sửa đổi tần suất kiểm tra biên giới đối với từng sản phẩm.
Theo quy định chung, nếu sầu riêng Việt Nam tiếp tục vi phạm quy định, mặt hàng này có thể đối diện với nguy cơ bị nâng tần suất kiểm tra tại biên giới theo phụ lục I (tần suất kiểm tra 10%, 20%, 30%, 50%) hoặc chuyển sang phụ lục II (yêu cầu phải có giấy kiểm định an toàn thực phẩm, kết quả phân tích dư lượng và chịu tần suất kiểm tra 5%, 10%, 20%, 30%, 50%).
Sau nhiều lần nâng mức kiểm tra mà không được xử lý, mặt hàng này có thể bị đình chỉ nhập khẩu. Nếu tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được nới lỏng, bao gồm các biện pháp như không bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm và không cần chứng nhận chính thức khi xuất khẩu sang EU, đồng thời tần suất lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu cũng giảm.
Những quy định này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố quan trọng để giữ vững thị phần tại thị trường lớn như EU.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.
Do đó, giải pháp để xuất khẩu nông sản duy trì được tốc độ tăng trưởng là các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.
Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của thị trường, bởi chỉ một lô hàng có vấn đề có thể khiến cả ngành hàng bị "tuýt còi". Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường, các vùng trồng, vùng nuôi phải tuân thủ các quy định của thị trường Việt Nam và thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu với cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; có cơ chế cùng kiểm soát, quản lý chất lượng.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 1