Hàng năm, có khoảng 6 triệu trẻ em trên thế giới bị ngộ độc do ăn uống. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi chiếm 60 - 80%.
Đa phần trẻ nhập viện do ngộ độc thuốc và ngộ độc thực phẩm. Việc trẻ bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe vì vậy phụ huynh cần nắm được các triệu chứng và để kịp thời xử trí khi trẻ ngộ độc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc ở trẻ em. Sự thiếu kiến thức của người lớn trong việc sử dụng thuốc, tự ý mua thuốc theo thói quen và "kinh nghiệm" điều trị của mình khi trẻ bị bệnh, hay nghe lời của những người xung quanh, dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc. Có nhiều trường hợp sử dụng thuốc của người lớn rồi phân liều cho trẻ uống, dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc... Một số trường hợp do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, sử dụng một số thực phẩm có chứa độc tố mà không biết cách sơ chế, sử dụng thực phẩm ôi thiu,... dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sĩ Lê Văn Bình - Khoa Hồi sức tích cực Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, ngộ độc cấp là khi chất độc vào cơ thể trong một thời gian ngắn gây tổn thương các cơ quan và gây nguy hiểm cho cơ thể. Nếu điều trị không kịp thời sẽ gây tử vong. Các hình thức ngộ độc thay đổi theo nhóm tuổi, loại vật chất tiếp xúc, tính chất và liều lượng của chất độc.
Trẻ dưới 5 tuổi có khả năng chống và thải độc còn hạn chế, do đó, khi bị ngộ độc thường phải cấp cứu. Khi bệnh nặng thì dễ gây tử vong. Tuy nhiên ngày nay, với tiến bộ về chẩn đoán và kỹ thuật hồi sức, tỷ lệ tử vong do ngộ độc cấp ngày càng giảm.
Việc chẩn đoán có thể dễ dàng dựa vào lời khai hoặc vật phẩm mang đến. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp rất khó khăn, ngay cả khi có kết quả xét nghiệm độc chất. Vì biểu hiện lâm sàng ngộ độc cấp của trẻ em có nhiều triệu chứng giống các nguyên nhân khác.
Điều cha mẹ nên làm khi phát hiện trẻ ngộ độc
Theo bác sĩ chuyên khoa II, Huỳnh Thúy Hằng, Trưởng Khoa Cấp cứu Nhi (Bệnh viện Sản nhi tỉnh Cà Mau): Điều quan trọng đầu tiên khi phát hiện trẻ ngộ độc cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Đối với cha mẹ có con nhỏ cần lưu ý đến các biểu hiện như sau của trẻ để kịp thời xử lý khi có các triệu chứng của ngộ độc:
Các loại ngộ độc thường gặp ở trẻ thường là ngộ độc thuốc và ngộ độc thực phẩm với một số biểu hiện sau: Nôn ói và đau bụng là hai dấu hiệu rõ rệt nhất của ngộ độc thực phẩm. Về tiêu hoá, trẻ thường đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Về hô hấp, trẻ có sẽ có biểu hiện ho sặc, thở nhanh, tím môi, khó thở. Về thần kinh, trẻ có dấu hiệu hôn mê hoặc co giật, run tay chân, run giật cơ, yếu cơ sau đó là liệt cơ, rối loạn nhịp tim... Bên cạnh đó, trẻ có dấu hiệu tăng tiết đờm nhớt, dịch tiêu hoá, mồ hôi, nước bọt...
Bác sĩ Hằng tư vấn: Điều đầu tiên khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của ngộ độc, cha mẹ nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Gây nôn cho trẻ, cần kích thích cho trẻ càng nôn nhiều càng tốt để tống hết thức ăn, nước uống ngộ độc ra ngoài, và có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng, hoặc cho uống nước muối loãng, nước muối loãng pha 2 muỗng canh muối trong 1 cốc nước. Nhưng chú ý không áp dụng gây nôn trong ngộ độc axit, kiềm, xăng dầu.
Để cho trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ.
Cho trẻ uống dung dich Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.
Nếu thấy trẻ sốt thì sử dụng kháng sinh nhẹ và cho uống than hoạt tính từ 5-10g để hấp thụ chất độc.
Ngưng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc cho bé
Theo bác sĩ Hằng, để đảm bảo sức khỏe cho bé, phòng ngừa ngộ độc, cha mẹ nên thực hiện tốt các biện pháp như: Đảm bảo điều kiện vệ sinh tốt cho trẻ. Cho trẻ uống nước sạch. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ vào mùa hè, tránh vi khuẩn xâm nhập. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Dạy cho trẻ thói quen không tự ý ăn hay uống những thực phẩm lạ. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc phải theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý kê đơn, mua thuốc cho trẻ sử dụng. Việc bảo quản thuốc cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt, tránh tình trạng các bé tự ý lấy thuốc để sử dụng.