Một điểm bán bảo hiểm “siêu rẻ” trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội)
Lập lờ bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc
Từ nhiều năm nay, không quá khó để bắt gặp hình ảnh những người bán bảo hiểm xe máy “siêu rẻ” dọc theo nhiều tuyến phố ở Hà Nội như: Nguyễn Xiển, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám… Điểm chung của loại bảo hiểm xe máy này chính là “giá rẻ bất ngờ”, nhất là khi người tiêu dùng tìm hiểu không kỹ lưỡng. Trong vai một người cần mua bảo hiểm xe máy, phóng viên đã tiếp cận và khai thác thông tin của một số người trực tiếp kinh doanh loại bảo hiểm xe máy 20.000 đồng.
Tại đường Nguyễn Xiển, (Thanh Xuân, Hà Nội), chưa đầy 1 km nhưng đã có tới gần chục điểm treo biển “Bảo hiểm xe máy 20.000/năm”. Công bằng mà nói, những tấm biển này đã thu hút sự chú ý của khá đông người đi đường. Nhiệt tình tư vấn cho phóng viên, một người bán bảo hiểm xe máy “siêu rẻ” cho biết: “Công ty em đang có chương trình khuyến mãi đầu năm nên giá mới rẻ như vậy. Anh mua bảo hiểm của em thì khỏi lo bị cảnh sát giao thông kiểm tra”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi kỹ về giá trị sử dụng của loại bảo hiểm này thì người bán mới miễn cưỡng nói thêm: “Đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện cho người ngồi trên xe có giá 10.000 đồng/người/năm, 2 người có giá 20.000 đồng. Mỗi công ty bảo hiểm sẽ có khung giá bồi thường riêng. Mức cao nhất là 10 triệu đồng cho 1 người nếu gặp tai nạn...”.
Tại một điểm bán bảo hiểm xe máy “siêu rẻ” khác trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội), người bán hàng tỏ ra “thành thật” hơn khi chia sẻ với chúng tôi: “Nếu mua bảo hiểm tự nguyện, khi xảy ra tai nạn, người mua sẽ được bồi thường”. Tuy nhiên, người này kiên quyết chỉ bán cùng lúc cả 2 loại bảo hiểm bao gồm cả bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc với giá 60.000 đồng.
Ghi nhận tại một số tuyến đường có người bày bán loại bảo hiểm xe máy “siêu rẻ” có thể thấy, hầu hết các điểm bán hàng này treo tấm biển quảng cáo “Bảo hiểm xe máy 20.000 đồng/năm” khá to và bắt mắt. Tuy nhiên, dòng chữ “Bảo hiểm tự nguyện người ngồi trên xe” thì lại được cố ý viết rất nhỏ ở phía chân của biển quảng cáo. Vì vậy, không ít người đi đường đã bỏ tiền ra mua vì lầm tưởng đây là bảo hiểm bắt buộc dành cho mô tô, xe máy. Rõ ràng ở đây, vì lợi nhuận nên một số người đã lợi dụng sự mập mờ giữa bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện để trục lợi từ sự thiếu tìm hiểu của người tiêu dùng.
Nên cẩn thận với khi quyết định mua các loại bảo hiểm xe máy
Xung quanh việc kinh doanh loại bảo hiểm xe máy “siêu rẻ”, đồng chí Nguyễn Đức Hùng, Đội Cảnh sát Giao thông số 3 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết:
Theo quy định hiện hành, bảo hiểm xe máy bao gồm 2 phần: một phần thuộc trách nhiệm dân sự bắt buộc chủ phương tiện phải mua với giá quy định là 66.000 đồng/năm; phần còn lại là bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe tương tự như bảo hiểm vật chất xe, cháy nổ... với giá 20.000 đồng/năm cho 2 người. Khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe mô-tô, xe máy cần mang 3 loại giấy tờ: Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, Bảo hiểm xe bắt buộc. Nếu người điều khiển xe không mang theo Bảo hiểm xe máy bắt buộc sẽ bị xử phạt 100.000 đồng. Còn không mang theo bảo hiểm tự nguyện không bị xử phạt.
Như vậy, bảo hiểm xe máy “siêu rẻ” thực chất là bảo hiểm tự nguyện nên người dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng. Bảo hiểm này mục đích là đề phòng trường hợp người điều khiển xe xảy ra tai nạn, rủi ro. Khi đó, ngoài phần bồi thường từ bảo hiểm bắt buộc, người dân sẽ được nhận thêm một khoản bồi thường từ bảo hiểm tự nguyện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2016 cả nước đang có hơn 45 triệu mô tô, xe máy các loại, tương đương cứ 2 người dân có 1 xe máy; có tới 85% dân số Việt Nam đang sử dụng xe máy làm phương tijện đi lại hàng ngày. Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, làm bị thương hơn 19.280 người; trong đó có tới 66,7% số vụ tai nạn là do mô tô, xe máy. Từ những số liệu này có thể thấy, cả bảo hiểm bắt buộc dành cho người điều khiển mô tô-xe máy và bảo hiểm tự nguyện người ngồi trên xe đều rất có lợi cho người dân khi không may xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, nếu mua bảo hiểm ở vỉa hè, người mua sẽ phải đối mặt với khá nhiều rủi ro, dễ bị lừa đảo. Bởi theo Luật Bảo hiểm, thông tin người đăng ký bảo hiểm phải được đăng ký trên hệ thống thông tin bảo hiểm. Trong khi đó, tại các điểm bán bảo hiểm vỉa hè, người bán chỉ lấy bút ra điền thông tin trực tiếp trên giấy bảo hiểm rồi đưa cho khách, thậm chí thời hạn bảo hiểm cũng có thể được ghi một cách “linh động” theo ý khách hàng... Chị Nguyễn Thị Vân Anh ở Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Năm ngoái, chồng tôi có mua bảo hiểm tự nguyện của một người bán ở vỉa hè. Cuối năm, không may bị tai nạn nhưng khi mang đến đại lý để làm thủ tục thì mới biết đó là bảo hiểm giả, không có giá trị thanh toán”.
Thiết nghĩ, để tránh rơi vào cảnh “mất tiền oan”, thay vì mua bảo hiểm xe máy “siêu rẻ” ở vỉa hè, người tiêu dùng nên tìm đến các đại lý phân phối hoặc các văn phòng của công ty bảo hiểm có uy tín. Đó cũng là cách để mỗi người tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi không may có rủi ro xảy ra.