Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cảnh giác với các hình thức lừa đảo thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản

Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo thực tập kỹ thuật sang Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh, Colap và IM Japan không phối hợp hay ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khác để tổ chức ôn luyện trước khi thi tuyển, tuyển chọn, đào tạo và phái cử thực tập sinh.

Theo Colab, Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là Chương trình IM Japan) được thực hiện từ năm 2005. Đây là chương trình phi lợi nhuận, được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) trực tiếp phối hợp với Tổ chức IM Japan triển khai thực hiện. Qua 14 năm triển khai, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người lao động trên cả nước và đã có gần 6.000 thực tập sinh xuất cảnh sang Nhật thực tập.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi dụng tính chất phi lợi nhuận của chương trình đã có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người lao động, mạo danh Colab hoặc thông tin là có quan hệ với Trung tâm Lao động ngoài nước để làm trung gian, môi giới, thu những khoản tiền trái quy định. Đã có nhiều người lao động chủ động khai báo việc nộp tiền cho đối tượng trung gian môi giới nên đã được hướng dẫn lấy lại được các khoản tiền đã nộp trái quy định. Tuy nhiên, một số người lao động do không tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình bị lừa, nộp tiền cho những đối tượng này.

Một số hình thức thường được các đối tượng lừa đảo người lao động như: tổ chức bán hoặc phát hồ sơ chương trình IM Japan miễn phí cho người lao động; đứng ra tổ chức các lớp ôn luyện Toán, thể lực trước khi thi tuyển cho người lao động; tổ chức đưa người lao động đi thi tuyển; tuyên truyền về việc có thể tác động vào kết quả thi tuyển, kết quả đào tạo của người lao động, giúp người lao động lựa chọn được những đơn hàng tốt, sớm xuất cảnh sang Nhật Bản thực tập; yêu cầu người lao động khi nộp tiền phải có cam kết chỉ được nhận lại tiền đã nộp nếu thi trượt chương trình; hướng dẫn cho người lao động trước khi thi để trả lời phỏng vấn, trong đó yêu cầu người lao động không được khai báo về việc người lao động có quen biết, nộp hồ sơ, nộp tiền cho đối tượng trung gian môi giới để che giấu các hành vi lừa đảo nêu trên.

 

Thực tập sinh Việt Nam thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản


Để tránh việc người lao động bị lừa đảo, Colab cảnh báo người lao động như sau:

Colab và IM Japan không phối hợp hay ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khác để tổ chức ôn luyện trước khi thi tuyển, tuyển chọn, đào tạo và phái cử thực tập sinh.

Colab không thu bất kỳ khoản tiền nào của người lao động từ lúc nộp hồ sơ đến khi tham gia thi tuyển. Các khoản người lao động phải chi phí sau khi trúng tuyển bao gồm: tiền khám sức khỏe, học phí khóa đào tạo dự bị tiếng Nhật (3 tháng), tiền ăn và ký túc xá (7 tháng). Tổng chi phí cơ bản khoảng 25 – 30 triệu.

Colab không tổ chức hoặc liên kết với các tổ chức hay cá nhân để tổ chức các khóa ôn tập trước khi thi tuyển; Đồng thời khuyến cáo người lao động tự ôn tập, rèn luyện thể thao trước khi thi theo hướng dẫn của Trung tâm.

Để đăng ký tham gia chương trình, người lao động phải tự tải và hoàn thiện hồ sơ Đăng ký dự tuyển theo hướng dẫn trên website không nhận hoặc mua hồ sơ từ các đối tượng trung gian.Trực tiếp đến Colab (Số 1, Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội) để nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển hoặc trực tiếp gửi chuyển phát nhanh bảo đảm qua đường bưu điện (Trung tâm không tiếp nhận hồ sơ thông qua trung gian).Kết quả tuyển chọn được đánh giá dựa trên kết quả từng nội dung thi tuyển của các ứng viên (Toán, thân thể, thể lực, phỏng vấn) và đảm bảo theo đúng các tiêu chí của chương trình.

Việc bố trí ngành nghề, giới thiệu công ty tiếp nhận cho ứng viên được IM Japan thực hiện thông qua việc đánh giá kết quả thi tuyển, học lực và kinh nghiệm làm việc của các ứng viên và sẽ do công ty tiếp nhận phỏng vấn, quyết định lựa chọn.

 Việc ứng viên nộp tiền cho các tổ chức, cá nhân trung gian môi giới là trái quy định của Chương trình, nếu không chủ động khai báo mà bị phát hiện người lao động sẽ bị dừng Chương trình.

Nếu phát hiện các trường hợp tiêu cực trong quá trình thi tuyển hoặc bị các tổ chức, cá nhân lừa đảo đề nghị người lao động chủ động, trung thực thông báo với Colabđể được tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của bản thân (điện thoại liên hệ: 024.7303.0199 số máy lẻ 115/118; email: thuctapsinhnhatban@gmail.com).