Nghe những “thông điệp” trên không ít người cho rằng, cũng nên cấm tiệt những người, ở vào thế chẳng có gì để mất, đăng đàn phát biểu nhăng cuội.
Họ là những người đã bước vào “hoàng hôn” của cái tuổi công chức, chức tước cũng như trình độ có cố cũng không thể lên cao hơn được nữa. Đây không chỉ là đánh giá, nhìn nhận của cơ quan quản lý, của cấp trên, mà chính bản thân họ cũng biết và biết rất tường tận tương lai của mình. Như kẻ bị dồn vào đường cùng, họ bắt đầu tìm hướng đi mới cho mình, bằng những bài tham luận có cường độ mạnh, thậm chí là quyết liệt, với chiêu bài nói thẳng, nói thật, theo kiểu không thành công cũng thành nhân. Lợi dụng, tận dụng các diễn đàn được tham gia, họ “nổ vang”.
Ông Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ sự lo ngại về tình trạng quan chức vét những "chuyến tàu cuối cùng" trước khi hạ cánh - Ảnh chụp qua màn hình
Thông qua các vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như chống tiêu cực, chống tham nhũng, chống lãng phí, nhất là đấu tranh với vấn nạn tham quan,... để họ tự đánh bóng mình, qua đó cố vớt vát uy danh, với một vài tia hy vọng cuối cùng.
Những điều họ “nổ” trên các diễn đàn không có gì mới. Đó là các vấn đề nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã nêu và phân tích, chỉ đạo thực hiện rất cụ thể, đặc biệt là báo chí phản ánh và đa chiều về thông tin. Nhưng họ vẫn không e ngại cái cũ rích ấy, vẫn hiên ngang đăng đàn, lặp lại những vụ việc, quan điểm cũ mòn. Tất nhiên, họ cũng thừa ma mãnh, biết lựa lúc chọn các vấn đề nóng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, để “nổ”. Cùng với đó, họ được một số người trong và ngoài hội trường phụ họa, thêm dấm, thêm ớt, làm cho vấn đề cũ, nói mãi, nói nhiều cũng hóa thành của mới, “của độc” !.
Tính xây dựng của những bài phát biểu kiểu trên đa phần không cao, thậm chí không xây dựng, mà còn gây rối, gây nhiễu các cơ quan chức năng, theo kiểu “chọc gậy bánh xe”, làm cho nội bộ mất đoàn kết, nghi kỵ lẫn nhau. Điều đáng tiếc là lộng ngôn trên chưa bị nhắc nhở, phê phán kịp thời, công khai, nên họ “thấy bở đào mãi”!.
Thế đấy, xã hội không chỉ cảnh giác, quản lý chặt chẽ đối với một số quan chức sắp “hạ cánh”, nổi lòng tham, làm những “chuyến tàu vét” bất minh, mà còn phải cảnh giác đối với những ông, bà sắp “đi vào ga cuối”, đăng đàn theo kiểu “không còn gì để mất”, phát ngôn vang mạng, để thỏa mãn cái tôi cá nhân, gây nhiễu, gây hại cho xã hội, cho đất nước.