Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều vựa tôm tại Phan Thiết, Khánh Hòa... đang gặp khó về tiêu thụ, xuất khẩu, thậm chí tại nơi nuôi tôm, mặt hàng này đang giảm giá từ 150.000 đồng/kg. Các cuộc "giải cứu" hải sản đã được các siêu thị lớn triển khai, với các mức giá từ 630.000 – 970.000 đồng/kg, đối với tôm hùm xanh, trọng lượng từ 0,2 – 0,4 kg/con.
Tuy nhiên, số lượng tôm hùm được bán ra không đủ với nhu cầu của khách hàng, hàng loạt điểm bán thông báo "cháy" hàng sau khoảng vài tiếng mở bán.
Trái ngược với cảnh mua bán tấp nập tại siêu thị, dọc phố chuyên bán hải sản tươi sống như Lương Định Của, Trần Nhân Tông, chợ hải sản Nghĩa Tân… giao dịch tại đây cũng không đột biến so với thông thường, dù rằng nguồn hàng đã được bổ sung nhiều hơn thông thường.
Số lượng khách mua tôm hùm xanh, tôm hùm baby tại các chợ dân sinh, cửa hàng hải sản không đột biến.
Chị Hoài An, chủ hàng hải sản tươi sống tại Lương Định Của cho biết, trung bình mỗi lần nhập, cửa hàng chỉ lấy khoảng 20 – 30kg tôm hùm. Dạo gần đây, nơi này đã nhập tôm hùm tăng gấp đôi so với ngày thường, tuy nhiên, hàng bán khá chậm.
"Thấy khách hỏi mua tôm hùm đông hơn vì thấy tin tôm hùm rớt giá vì dịch Covid-19. Nhưng sau khi hỏi giá thì nhiều người không mua nữa thành ra, tôi phải kiếm mối đổ cho nhà hàng là chủ yếu, không trông chờ khách lẻ nữa", chị An cho biết.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tôm hùm bán chậm là vì chúng đang đề giá từ 830.000 – 850.000 đồng/kg tôm hùm xanh (loại 3-4 con/kg), một mức khó tiếp cận với khách hàng bình dân - đối tượng khách hàng chủ yếu tại các chợ dân sinh hoặc cửa hàng hải sản nhỏ.
Thực tế, đây vốn là mặt hàng thuộc phân khúc cao cấp. Trước khi xuống giá vì dịch Covid-19, giá tôm hùm xanh tươi sống ở Hà Nội khoảng 1-1,5 triệu đồng/kg tùy kích cỡ, tôm hùm baby khoảng 900.000 đồng đến cả triệu đồng/kg.
Đắt đỏ bậc nhất vẫn là tôm hùm bông (trọng lượng từ 0,7 kg/con) có giá trên 1,2 triệu đồng/kg. Khi được chế biến các nhà hàng, giá hai loại hải sản này tăng lên trên 2 triệu đồng.
Mức giá này là cao so với thu nhập và chi tiêu thường nhật của nhiều người dân. Thậm chí, ngay cả khi giảm gần một nửa trong đợt bán bình ổn giá của nhiều siêu thị, thì với đại đa số, tôm hùm vẫn chưa phải là lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho bữa ăn gia đình.
"Đến cả đợt giảm giá sâu thế này còn khó mua tôm, huống chi ngày thường, sau khi giảm giá, tính ra, chi phí để một gia đình 4 người có thể ăn tôm hùm là khoảng 1 triệu đồng, vẫn là rất cao so với thu nhập của tôi", chị Linh Anh, một nhân viên văn phòng chia sẻ.
Nhiều người "ngại" bán tôm hùm xanh vì chúng không bán chạy và dễ hao hụt trọng lượng khi vận chuyển, bảo quản.
Hơn nữa, tôm hùm xanh tươi sống yêu cầu cao về việc bảo quản, vận chuyển, do vậy, mặt hàng này không được người bán mặn mà.
Anh Tuấn Anh, chủ gian hàng hải sản trên đường Thái Thịnh chia sẻ, tôm hùm tươi trong quá trình vận chuyển có thể gãy càng, yếu hoặc chết, giảm rất nhiều trọng lượng. Dù được bảo quản và vận chuyển trong ngày từ điểm thu gom, thế nhưng tôm hùm tươi càng để lâu thì càng bị gầy và tiêu thịt, thịt không còn độ dai và ngon.
"Nếu bán thời vụ theo đợt tôm giảm giá do dịch Covid-19 thì cũng được, nhưng nguồn hàng cũng không ổn định, thay đổi giá liên tục, hàng lại hao hụt. Nhiều khách không hiểu, họ thấy bán vài hôm giá rẻ, rồi tăng lên giá bình thường thì nghĩ cửa hàng chặt chém, nên chúng tôi ưu tiên bán các mặt hàng bình ổn giá hơn", anh Tuấn Anh, chủ gian hàng hải sản trên đường Thái Thịnh, Hà Nội chia sẻ.