Bắt đầu từ Quảng Nam, sau đó, rất nhiều tỉnh khác cũng đã tổ chức những "chuyến xe tình nghĩa" vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương để đón những người đồng hương về quê tránh dịch. Rồi gần đây, hàng nghìn người đã dùng phương tiện cá nhân để đưa gia đình về quê.
Việc các tỉnh tổ chức giãn người ra khỏi các vùng "tâm dịch" không chỉ là giúp những người đồng hương tránh được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mà còn góp phần giúp các địa phương đang căng mình chống dịch thêm phần "nhẹ gánh", thuận lợi hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ổn định an sinh xã hội.
Mới đây, hình ảnh hơn 900 công nhân đang làm việc tại Đồng Nai chạy xe máy về các tỉnh ở Tây Nguyên được cảnh sát giao thông dẫn đường, hộ tống qua các chốt kiểm soát dọc đường khiến nhiều người bất ngờ. Trước đó, công an Bình Phước cũng đã điều động lực lượng để dẫn đường, hỗ trợ hàng ngàn người từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đổ về các tỉnh Tây Nguyên.
Hầu hết địa phương tiếp nhận người trở về từ vùng "tâm dịch" cũng đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đón tiếp người dân trở về. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có thư gửi người dân quê hương Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Trong thư, ông Chủ tịch cho biết UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương để phối hợp đón người dân Sóc Trăng trở về quê hương.
Trong thời gian chờ sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương để xây dựng kế hoạch đón người dân được an toàn, chu đáo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị người dân chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trường hợp người dân về địa phương trong thời gian này bằng xe hai bánh hoặc các phương tiện khác phải tự giác đến ngay trạm y tế xã, phường, thị trấn để khai báo y tế và thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định. Đặc biệt, đối với người dân đang gặp khó khăn, tỉnh sẽ miễn phí toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt, xét nghiệm trong thời gian cách ly.
"Người dân đã mất việc làm, thu nhập nên sau thời gian cách ly, rất cần sự giúp đỡ. Tuy còn khó khăn nhưng tỉnh dang rộng vòng tay đón người dân trở về và sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân khó khăn trong lúc này", Chủ tịch tỉnh chia sẻ.
Đó cũng là cách làm khá phổ biến ở nhiều địa phương khác. Bên cạnh việc phát huy vai trò của Hội đồng hương ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong việc nắm bắt tình hình, có biện pháp hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh gặp khó khăn, các hội đồng hương còn thực hiện rất hiệu quả vai trò kết nối giữa những người con xa xứ với chính quyền địa phương, để từ đó hình thành những chương trình hỗ trợ có quy mô lớn hơn, thiết thực hơn.
Có lẽ vào lúc này, câu thành ngữ "một giọt máu đào hơn ao nước lã" mới thực sự thấm thía. Tình nghĩa đồng hương đang trở thành nguồn năng lượng tích cực, được hiện thực hóa thành những hành động cụ thể, giúp rất nhiều người dân vượt qua thời khắc đầy gian khó này.