Tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và được đầu tư theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017 - 2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 104.000 tỉ đồng, trong đó, vốn đầu tư nhà nước hơn 40.000 tỉ đồng.
rong 11 đoạn, tuyến, có 3 đoạn sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 đoạn đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Các đoạn sử dụng vốn ngân sách nhà nước là Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn; Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu đến nay chủ đầu tư đã thống nhất được với cấp xã, huyện, UBND các tỉnh, Bộ NN-PTNT và các quân khu. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang làm việc để đạt thỏa thuận cuối cùng với các bộ, ngành liên quan.
Chậm báo cáo nghiên cứu khả thi
Theo báo cáo của Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), tiến độ triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tư theo hình thức PPP đang chậm hơn so với dự kiến ban đầu khoảng 2 - 3 tháng. Cụ thể, nhóm 1 ưu tiên triển khai sớm gồm 3 đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Phan Thiết - Dầu Giây đã thống nhất với các bộ, ngành địa phương về các thủ tục pháp lý như: đánh giá tác động môi trường (ĐTM), khung chính sách giải phóng mặt bằng, dự kiến phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật trong tháng 6 và đầu tháng 7, sau đó sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 7 - 12/2019. Tuy nhiên đến nay công tác này vẫn chưa hoàn thành.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Đối với 5 dự án nhóm 2 (đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt, đoạn Nha Trang - Phan Thiết), công tác thỏa thuận với các địa phương và các bộ, ngành đã hoàn thành. Riêng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo do đi qua địa phận 3 tỉnh, các địa phương còn ý kiến khác nhau về hồ sơ thiết kế, Ban Quản lý dự án 85 vẫn đang tổng hợp ý kiến.
Trong một cuộc họp mới đây liên quan đến việc triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đang chậm so với kế hoạch, ngoài các nguyên nhân chủ quan như công tác chuẩn bị hồ sơ dự án của một số ban quản lý dự án chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu bám sát các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện thủ tục, hồ sơ... còn vướng phải các yếu tố khách quan như công tác phân khai vốn còn gặp vướng mắc; bất cập về quy định lãi suất vốn vay chưa được tháo gỡ.
Vốn công, tư đều khó
Tại hội thảo về cao tốc Bắc - Nam do Bộ GTVT và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 26/4, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết quá trình thẩm định dự án đã phát sinh một số vướng mắc. Trong đó, bài toán lớn nhất là các quy định liên quan đến thực hiện cao tốc Bắc - Nam theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) còn mâu thuẫn, quy định chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, cơ chế chia sẻ rủi ro còn hạn chế. Cụ thể, trong nước khan hiếm nguồn vốn tín dụng dài hạn, trong khi vốn vay nước ngoài vướng do cơ chế chia sẻ rủi ro chưa thỏa đáng. Đặc biệt là vướng mắc về vấn đề lãi vay huy động vốn khiến các nhà đầu tư e dè, chưa dám tham gia. Về lãi vay huy động vốn, mức lãi suất trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính là khoảng 7,72%/năm, trong khi lãi suất cho vay dài hạn tại các ngân hàng thương mại khoảng 10,83%. Đối với các dự án công tư (PPP), việc phải bù lỗ lãi suất liên tục trong nhiều năm suốt vòng đời dự án sẽ là một gánh nặng lớn đối với nhà đầu tư.
Theo tính toán sơ bộ, trường hợp áp dụng mức lãi suất vốn vay khoảng 10,83% thì tổng số vốn nhà nước hỗ trợ cho 11 dự án thành phần sẽ tăng từ 51.644 tỉ đồng (theo số liệu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ) lên khoảng 55.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 52 của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Đồng thời, thời gian hoàn vốn của các dự án sẽ kéo dài thêm khoảng 1 - 2 năm.
Nhằm giúp tháo gỡ vấn đề này, dự thảo thông tư mới, thay thế Thông tư số 55 quy định nội dung về quản lý tài chính đầu tư đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư do Bộ Tài chính soạn thảo đã bỏ quy định khống chế lãi suất nhưng đây mới chỉ là dự thảo, luật PPP hoàn chỉnh dự kiến đến kỳ họp cuối năm 2019 mới trình Quốc hội.
Không chỉ thu hút vốn tư nhân, phần vốn của nhà nước đến nay cũng chưa xác định xong. Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức vốn đầu tư của nhà nước tham gia vào dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, một trong những dự án thành phần thuộc đoạn đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông. Theo đó, Bộ đề xuất phần vốn nhà nước tham gia là 2.550 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư 8.389 tỉ đồng của dự án để chi cho công tác tư vấn, thiết kế kỹ thuật, phí quản lý, rà phá bom mìn (203 tỉ đồng); công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (1.423 tỉ đồng) và hỗ trợ một phần chi phí xây dựng để đảm bảo tính khả thi tài chính (924 tỉ đồng). Phần kinh phí còn lại khoảng 5.839 tỉ đồng sẽ do nhà đầu tư huy động bằng nguồn vốn chủ sở hữu (20%) và vay thương mại.
Khó về đích đúng hẹn
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho rằng Bộ GTVT đang có những bước rốt ráo chuẩn bị; Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng đã có động thái hỗ trợ nhằm tháo gỡ vướng mắc, nhưng nếu không nhanh chóng thông qua, hoàn thiện cơ chế thì khó khăn vẫn chưa thể giải quyết. Chưa kể phần vốn của nhà nước chưa xác định xong thì rất khó để nói về tiến độ vì ngoài chính sách thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế, Chính phủ phải có vốn mồi, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng mới có thể thu hút xã hội hóa.
“Cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường có khả năng thu hồi vốn cao, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Quan trọng là tạo cơ chế minh bạch, hấp dẫn. Phải nỗ lực hết sức ngay từ bây giờ, vận động mọi nguồn lực, tất cả các thủ tục, khó khăn tháo gỡ nhanh chóng mới mong dự án về đích kịp năm 2021 theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Còn nếu làm cầm chừng như thời gian qua, cộng với những “bệnh” cố hữu trong triển khai các dự án giao thông ở VN, đường cao tốc xuyên Việt khó hoàn thành đúng hẹn”, ông Hoàng cảnh báo.
TS Phạm Văn Hùng, từ Phân viện khoa học - công nghệ GTVT phía nam, lo ngại với tình hình hiện nay, không thể trong vòng hơn 2 năm có thể hoàn thành dự án lớn như vậy. “Đây mới chỉ là bước chuẩn bị, mới báo cáo khả thi đã chậm, còn một loạt vấn đề chưa “động đến” như giải phóng mặt bằng , rồi còn đấu thầu, duyệt thiết kế, thi công... rất nhiều giai đoạn phía sau có thể nảy sinh thêm nhiều vướng mắc, khiến dự án tiếp tục kéo dài”, ông nói.