Tham dự sự kiện có ông Vũ Anh Sơn, Cố vấn đặc biệt của UNHCR tại Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH).
Ông Vũ Anh Sơn (bên phải), Cố vấn đặc biệt của UNHCR tại Việt Nam trao số tiền ủng hộ cho đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Số tiền ủng hộ nêu trên sẽ được sử dụng để hỗ trợ sinh kế, cụ thể là để mua bê/nghé và lợn giống cho 140 hộ dân chịu ảnh hưởng của bão lụt tại tỉnh Hà Tĩnh, có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt ưu tiên đối tượng người có công, các hộ nghèo, cận nghèo và hộ bảo trợ xã hội. Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ trực tiếp tiếp nhận khoản đóng góp này và phối hợp với chính quyền địa phương để khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ trong tháng 12/2020, cụ thể như sau:
- UBND của 5 xã: Thạch Thắng, Tượng Sơn, Thạch Lạc, Tân Lâm Hương, Thạch Đài thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khảo sát, lập danh sách đối tượng đề nghị hỗ trợ.
- UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh rà soát danh sách đối tượng và gửi UNHCR phê duyệt danh sách hỗ trợ chính thức.
- Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi của huyện Thạch Hà (thuộc UNBD huyện) làm đầu mối phối hợp với UBND các xã: Thạch Thắng, Tượng Sơn, Thạch Lạc, Tân Lâm Hương, Thạch Đài cấp phát con giống cho các hộ gia đình được phê duyệt hỗ trợ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) phát biểu cảm ơn sự hỗ trợ của UNHCR
Khoản đóng góp này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Hà Tĩnh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020: 6 người bị chết, 53.000 hộ dân, 170.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng của lũ lụt; 4.000 ngôi nhà bị hư hỏng; 10.000 con gia súc, hơn 79.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều công trình hạ tầng kinh tế bị hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 5.300 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, sau khi lũ lụt xảy ra tại Hà Tĩnh, UNHCR thông qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có mong muốn hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng với điều kiện việc hỗ trợ phải thực chất và hiệu quả, đúng đối tượng và xuất phát từ chính nhu cầu của người dân bị thiệt hại. Hoạt động này cũng nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác gắn bó giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với UNHCR trong suốt thời gian qua.
Ông Vũ Anh Sơn, Cố vấn đặc biệt của UNHCR tại Việt Nam phát biểu
Được biết, UNHCR là một trong những tổ chức LHQ đầu tiên hoạt động tại Việt Nam (từ năm 1975). UNHCR đã hợp tác với Bộ từ những năm 1978 trong chương trình trợ giúp người tị nạn Cam-pu-chia ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Thời gian gần đây, do hoạt động UNHRC ở Việt Nam giảm xuống, từ năm 2014, Văn phòng UNHCR Việt Nam dừng hoạt động và UNHCR chỉ còn đại diện ở Việt Nam để hỗ trợ một số hoạt động hợp tác.
Cuối năm 2019, do UNHCR tái cấu trúc, Văn phòng UNHCR khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã chuyển trụ sở từ Geneva, Thụy Sỹ sang Bangkok, Thái Lan.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Từ năm 2011 đến nay, UNHCR đã và đang hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong các hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), cụ thể là các dự án “Tăng cường năng lực của ACWC trong việc thực hiện có hiệu quả các Kết luận cuối cùng của Ủy ban CEDAW và Ủy ban CRC nhằm thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN” và "Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc đảm bảo địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN". Đặc biệt, trong năm 2020 này, dự kiến UNHCR sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ACWC Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Báo cáo khu vực và Kỷ niệm 10 năm thành lập ACWC Việt Nam.
Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em