Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cấp ‘cần câu’ cho nhóm người yếu thế

Qua hơn 6 năm triển khai Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg, nhiều người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị Methadone, người bán dâm hoàn lương (gọi chung là người yếu thế) tại thành phố Hà Nội đã được cấp ‘cần câu’ để tìm kiếm sinh kế, có công ăn việc làm ổn định và hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Cấp ‘cần câu’ cho nhóm người yếu thế - Ảnh 1.

Hỗ trợ vốn để người yếu thế tìm kiếm sinh kế, có công ăn việc làm ổn định và hòa nhập cộng đồng một cách bền vững. Ảnh minh họa

Giúp "cần câu" để tự "câu cá"

Một trong những trường hợp được cấp ‘cần câu’ là anh Nguyễn Danh V. (sinh năm 1971, ở thôn Chu Châu, xã Minh Châu, huyện Ba Vì). Bản thân anh V. nghiện ma túy từ lâu, lại nhiễm HIV và đang điều trị thuốc ARV. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên anh V. tự cai nghiện ma túy tại nhà.

Thông qua kênh thông tin của xã, anh V. biết được chính sách hỗ trợ tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Tổ vay vốn của Hội Phụ nữ và các đoàn thể xã, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, gia đình anh đã được vay số tiền 30 triệu đồng. Có nguồn vốn vay, anh cùng gia đình đầu tư trồng trên diện tích 3.641 m2 các loại cây như chuối, cỏ voi và chăn nuôi bò sinh sản.

Việc chăn nuôi bò sinh sản (từ 1 con lên 4 con) và thu hoạch từ trồng trọt có hiệu quả đã giúp anh V. có thu nhập, trả lãi ngân hàng đầy đủ. Tính đến nay, gia đình anh đã trả hết vốn vay và phát triển kinh tế, công ăn việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng được nâng cao, gia đình vợ con, bố mẹ vui vẻ đoàn kết, hòa thuận cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế. Sức khỏe của bản thân anh ngày càng tốt hơn, tâm trạng, tinh thần thoải mái phấn khởi.

Hay như hộ gia đình chị Phùng Thị Thái có chồng là Phạm Văn Hưng (sinh năm 1971, ở  thôn Cao Nhang, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì). Vốn là người nghiện ma túy đã hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc 24 tháng, nay anh Hưng trở về địa phương và đang thực hiện quản lý sau cai.

Trước hoàn cảnh của gia đình, chị Thái đã đề nghị địa phương hỗ trợ vay vốn đối với hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy. Tổ vay vốn của Hội Phụ nữ và các đoàn thể thị trấn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện xét duyệt cho gia đình chị Thái vay 30 triệu đồng. Có đồng vốn, chị Thái cùng chồng lên kế hoạch làm ăn, đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Có thêm việc làm, vợ chồng chí thú làm ăn, thu nhập từ đó được nâng cao, giảm bớt khó khăn về kinh tế và thực hiện trả lãi vay theo hằng tháng đúng hạn.

Bà Nguyễn Thị Ngoãn, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn 9, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn cho biết, chính sách hỗ trợ vốn giúp cho người yếu thế có việc làm, tạo thu nhập, góp phần cải thiện và ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời, làm giảm số người tái phạm, tái nghiện trở lại, trật tự an ninh trong khu dân cư được bình yên hơn...

Trong giai đoạn 2016-2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố và sự tích cực triển khai, phối hợp của sở, ngành và  địa phương, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ vay vốn cho 59 trường hợp theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, 11 người nhiễm HIV; 5 người bán dâm hoàn lương; 23 hộ gia đình có người sau cai nghiện ma túy và 20 hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Theo đánh giá của các địa phương, tính đến nay, các đối tượng là người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV được vay vốn tín dụng đều có sức khỏe ổn định, không tái nghiện, không vi phạm pháp luật và tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ, trồng trọt chăn nuôi... có mức thu nhập ổn định để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nguồn vốn vay được giải ngân đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng vốn có hiệu quả đã đem lại cho nhiều cá nhân, gia đình có công ăn việc làm. Cụ thể, tại huyện Ba Vì, các hộ vay vốn đã sử dụng để chăn nuôi bò sữa, mua lợn sữa gây giống, tăng gia sản xuất, mở cửa hàng sửa chữa xe máy, dịch vụ rửa xe… Tại huyện Mỹ Đức, các hộ gia đình đã sử dụng vốn để mở cửa hàng kinh doanh, bán hàng tạp hóa, dịch vụ rửa xe và buôn bán nhỏ, tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống, duy trì việc làm, giảm bớt khó khăn về kinh tế gia đình, vợ chồng yên tâm làm ăn, con cái được học hành. Bản thân những người yếu thế có tinh thần phấn đấu, từng bước hòa nhập với cộng đồng dân cư.

Những bài học kinh nghiệm

Qua hơn 6 năm triển khai Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg, tuy còn có một số khó khăn vướng mắc như đối tượng thường có tâm lý e ngại, sức khỏe yếu, thiếu mặt bằng kinh doanh, thiếu đất để chăn nuôi, sản xuất... nhưng có thể khẳng định, đây là một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc và là một giải pháp hữu hiệu, giải quyết việc làm ngay trong gia đình cho các đối tượng thụ hưởng, từ đó, họ thay đổi cách sống theo chiều hướng tích cực, thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội, đồng thời, giúp đỡ người có cùng hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống, giảm sự kỳ thị của cộng đồng.

Từ kết quả triển khai, thành phố Hà Nội đã rút ra những bài học cụ thể là:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát việc thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng đơn vị, địa phương.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện thường xuyên, sâu rộng, giúp mọi người nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách tín dụng đối với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, người bán dâm hoàn lương nhằm hạn chế sự kỳ thị và giúp đỡ họ sớm có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Thứ ba, có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương và các Tổ tiết kiệm và vay vốn,… từ công tác tuyên truyền, khảo sát đánh giá cụ thể nhu cầu vay vốn của đối tượng, hướng dẫn các thủ tục, phương án sản xuất kinh doanh, xét duyệt cho vay, giám sát tình hình sử dụng vốn, đôn đốc người vay thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Thứ tư, thường xuyên giám sát, hướng dẫn và đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Quyết định 02/2020/QĐ-TTg bỏ mốc thời gian "2014-2016" đã được nêu trong Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, thay vào đó cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020. Năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả đạt được và tác động của chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc mở rộng thực hiện Quyết định trên phạm vi cả nước.

Theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá mức cho vay theo quy định sau: Đối với cá nhân, mức cho vay tối đa 20 triệu đồng/cá nhân; đối với hộ gia đình, mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/hộ. Người vay có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định này.

Đối với việc vay vốn thông qua hộ gia đình, các thành viên của hộ gia đình không là chủ thể tham gia việc vay vốn thì người vay vốn phải ủy quyền bằng văn bản cho người đại diện đứng ra vay vốn. Quy định này được đánh giá là đã loại bỏ được sự ngại ngần của các cá nhân đối tượng được vay vốn khi phải trực tiếp thực hiện các thủ tục vay vốn.