Tại Mỹ, theo Worldometers, hiện ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với 161.530 trường hợp, trong đó có 2.995 ca tử vong.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc thông báo, đã có 1.087 trường hợp mắc Covid-19 là quân nhân, nhân viên dân sự, người phụ thuộc và các nhà thầu trong lực lượng quân đội. Theo thông báo, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong lực lượng quân đội Mỹ đã tăng đột biến vào những ngày cuối tuần.
Cùng ngày, bang Maryland thông báo sẽ ban hành lệnh giới nghiêm, theo đó, người dân bắt buộc phải "ở nhà" trừ một số trường hợp thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch virus SARS-CoV-2. Bang này đã xác nhận hơn 1.400 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có một trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi và hàng chục người ở một viện dưỡng lão ở Mount Airy.
Liên quan tình hình dịch bệnh, ngày 30/3, Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết, tại cuộc điện đàm hôm 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí về tầm quan trọng của việc ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế bởi các nước lựa chọn phương án tạm thời đóng cửa các hoạt động kinh doanh nhằm hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2.
Theo ông Deere, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí sẽ hợp tác trong khuôn khổ Các nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm đấu tranh với SARS-CoV-2 và vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
* Ngày 30/3, Pháp ghi nhận 418 ca tử vong trong bệnh viện vì Covid-19, cao nhất trong ngày kể từ khi nước này ghi nhận ca bệnh đầu tiên, nâng tổng số ca thiệt mạng do SARS-CoV-2 lên 3.024 người. Số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp hiện nay là 44.550.
Tính đến nay, đã có 20.946 người ở Pháp nhập viện do mắc Covid-19, trong đó có 5.056 ca đang được chăm sóc tích cực. Đáng chú ý, số liệu tử vong ở Pháp mới chỉ tính đến những ca ở bệnh viện mà chưa kể đến những người tử vong tại gia hoặc trong các viện dưỡng lão.
* Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, số ca tử vong do Covid-19 tại nước này đã tăng thêm 37 ca, lên thành 168 người, trong khi số ca được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 tăng 1.610, lên 10.827 trường hợp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 162 bệnh nhân bình phục.
* Tại Đức, tính đến 6h sáng 31/3, ghi nhận 66.885 ca nhiễm Covid-19 (tăng 4.450 ca so với hôm qua), 645 ca tử vong (tăng 104 ca).
Đức hiện chưa có ý định nới lỏng các hạn chế tiếp xúc bởi tốc độ lây lan SARS-CoV-2 tại đây vẫn rất nhanh, cứ sau khoảng 5 ngày thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này lại tăng lên gấp đôi. Do đó, để có thể hạn chế tối đa các ca nhiễm bệnh mới, Chính phủ Đức tiếp tục kéo dài các biện pháp kiểm soát và hạn chế tiếp xúc đến ít nhất là ngày 20/4.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/3, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục có kết quả xét nghiệm lần thứ 3 âm tính với SARS-CoV-2. Hiện sức khỏe của bà Merkel vẫn ổn định và trong thời gian cách ly ở nhà, bà vẫn điều hành Chính phủ thông qua liên hệ chặt chẽ với các thành viên trong nội các.
Dự kiến ngày 1/4, Thủ tướng Merkel sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang để thảo luận và đánh giá về tình hình hiện nay ở Đức. Ngoài ra, bà Merkel cũng sẽ được tiến hành thêm một số xét nghiệm mới trong những ngày tới.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 30/3, nước này ghi nhận thêm 4.050 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại lên 101.739 trường hợp. Số ca tử vong là 11.591 (tăng 812 ca). Số ca hồi phục là 14.620 (tăng 1.590 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 27.795 ca nhập viện, 3.981 ca phải điều trị tích cực và 43.752 ca cách ly tại nơi ở.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Italy, tốc độ lây lan đang chậm lại và dịch Covid-19 tại nước này có thể đạt đỉnh trong 7 - 10 ngày tới, vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm những người tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19, các bác sỹ, nhân viên y tế và những người thường xuyên tiếp xúc với công chúng như lực lượng thực thi pháp luật, dược sỹ, nhân viên siêu thị, nhà báo.
Italy cũng sẽ gia hạn lệnh phong tỏa ít nhất đến ngày 12/4 tới nhằm giúp kiềm chế sự lây nhiễm của SARS-CoV-2.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các biện pháp phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt tại Italy trong 2 tuần qua sẽ khiến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở quốc gia này sớm ổn định, nhưng vẫn yêu cầu phải duy trì cảnh giác.
Cùng ngày, hãng thông tấn ANSA đưa tin, công ty công nghệ sinh học Takis đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm 5 loại vaccine chống SARS-CoV-2.
Theo Giám đốc điều hành của Takis, Luigi Aurisicchio, các cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ cho kết quả vào giữa tháng 5 và việc tiến hành thử nghiệm trên người có thể được bắt đầu vào mùa Thu năm nay. Các loại vaccine của Takis được nghiên cứu dựa trên sự khác nhau giữa các vùng của protein Spike, "vũ khí" chính để virus tấn công các tế bào phổi của con người.
* Nam Phi hiện ghi nhận 1.326 ca nhiễm SARS-CoV-2, tăng 46 ca so với 24 giờ trước đó. Nước này cũng xác nhận ca tử vong thứ 3 do nhiễm SARS-CoV-2.
Nam Phi chuẩn bị huy động 10.000 nhân viên y tế trong một chiến dịch tổng lực nhằm đẩy mạnh công tác xét nghiệm trên diện rộng đối với những trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và tìm kiếm và cách ly những cá nhân đã có tiếp xúc gần với người bệnh cũng như đã từng ở trong vùng dịch.
* Ai Cập phát hiện thêm 47 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong. Tính đến nay tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Ai Cập đã lên đến 656 trường hợp, trong đó có 41 người tử vong. Ngoài ra, tổng số trường hợp đã khỏi bệnh hiện là 132 người, số ca có kết quả xét nghiệm từ dương tính sang âm tính là 182 người.
Cùng ngày, WHO cho rằng, Ai Cập có cơ hội thực sự để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 song cũng không loại trừ khả năng dịch bùng phát lớn.
* Ngày 30/3, Bộ Y tế Morocco cho biết, số trường hợp được ghi nhận nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng mạnh lên thành 534 người, từ mức 463 của ngày hôm trước, trong đó 33 người đã tử vong.
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên (ngày 2/3), dịch Covid-19 đã diễn biễn phức tạp tại quốc gia Bắc Phi này. Đến nay, Morocco là quốc gia có số trường hợp nhiễm bệnh cao thứ 4 tại châu lục (sau Nam Phi, Ai Cập và Algeria). Mới đây, ngày 27/3, Chính phủ Morocco đã quyết định bổ sung 200 triệu USD cho hệ thống y tế để nâng cao năng lực đối phó với dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 22/3, Morocco đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế kéo dài trong một tháng, đồng thời áp dụng các biện pháp như đóng cửa biên giới trên đất liền và trên biển, tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tính đến nay, Việt Nam, ghi nhận 204 ca Covid-19, trong đó, 55 ca đã bình phục, bao gồm 16 ca ở giai đoạn 1 ( từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) và 39 ca (tính từ ngày 6/3 đến 30/3) ở giai đoạn 2 là: BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN27, BN29, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN51, BN53, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64, BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187.
149 ca còn lại đang được chữa trị tại 22 cơ sở y tế trên cả nước.
Ngoài ra, có 3.215 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt; 75.085 ca tiếp xúc với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó, 38.372 cách ly tại nhà, nơi lưu trú.