Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 253.131.192 ca, trong đó có 5.102.441 người tử vong. Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất, trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 228 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 77.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 12/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 782.000 ca tử vong trong tổng số trên 47.700.000 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 462.690 ca tử vong trong số 34.414.186 ca. Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 608 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 363 người và CH Bắc Macedonia với 350 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46,2 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 77,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 80,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 57,2 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 220.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.900 người.
VTV cũng đưa tin, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 1.198 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Đây là số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay tại Lào. Số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lan rộng ra 17/18 tỉnh, thành, tăng 253 ca so với ngày 11/11, trong đó có tới 1.196 ca lây nhiễm cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Vientiane tiếp tục là tâm dịch với 579 ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày, đứng đầu cả nước. Ngoài ra, tỉnh Phongsaly cũng ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng tăng đột biến với 168 ca trong 24 giờ. Đáng chú ý, tỉnh Houaphanh lần đâu tiên ghi nhận có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thái Lan cũng ghi nhận thêm 7.305 ca mắc mới và 51 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 2.004.274 ca, trong đó có 1.888.536 người đã hoàn toàn bình phục và 19.934 người không qua khỏi. Nước này dự kiến sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 11, sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Một số tỉnh, bao gồm cả thủ đô Bangkok, đã tiêm chủng cho hơn 80% cư dân. Thái Lan đã quyết định lùi thời điểm mở lại các địa điểm giải trí vào ban đêm trên toàn quốc cho tới ít nhất là giữa tháng 1/2022.
Tại Campuchia, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng trước. Ngày 12/11, Bộ Y tế nước này xác nhận có thêm 63 ca mắc mới COVID-19 và 6 người tử vong, trong đó có 4 người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Bộ Du lịch Campuchia cũng thông báo tới các tỉnh trên cả nước về việc chuẩn bị và thực hiện các quy định về an toàn du lịch cũng như các quy chuẩn tối thiểu khi mở cửa trở lại các quán karaoke và câu lạc bộ đêm sau ngày 30/11 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
Malaysia có kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer/BioNTech sản xuất cho trẻ em dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022 và đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho trẻ vị thành niên (từ 12-17 tuổi). Tính đến ngày 11/11, tổng cộng 2.472.098 trẻ, tương đương 78,5% số trẻ vị thành niên tại Malaysia, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, 95,1% số người trưởng thành và 75,7% dân số Malaysia đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Hiện tại, Malaysia có tổng cộng 2.535.338 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 29.535 ca tử vong.
Cũng trong ngày 12/11, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) Hàn Quốc cho biết nước này có thêm 2.368 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 390.719 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc tăng ở mức trên 2.300 ca. Theo KDCA, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 3.051 ca. Tỷ lệ tử vong hiện ở mức 0,78%.
Tại châu Âu, từ ngày 13/11, các quán rượu, nhà hàng và cửa hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu tại Hà Lan sẽ phải đóng cửa vào lúc 19h hàng ngày. Quy định trên sẽ có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần. Theo báo cáo của cơ quan y tế Hà Lan, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 16.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 17,5 triệu ca. Để khống chế dịch bệnh, Ủy ban Giám sát dịch bệnh Hà Lan đã khuyến nghị chính phủ tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần và chỉ cho phép người đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc người đã có kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi mắc COVID-19, được phép tới các địa điểm công cộng.
Đức vẫn đang là tâm dịch mới của châu Âu khi ghi nhận hơn 48 nghìn ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 12/11. Giới chức y tế Đức kêu gọi mọi người hủy bỏ, tránh các sự kiện đông người, giảm tiếp xúc khi tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục cao với 260 trường hợp, trên 100 nghìn dân trong tuần qua. Trước đó, hôm 11/11 Đức lần đầu tiên ghi nhận hơn 50 nghìn ca nhiễm mới. Để ứng phó đợt dịch mới, từ ngày mai, Đức sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh miễn phí cho người dân. Giới chức Đức cũng đang cân nhắc về việc cấm mở hội chợ Giáng sinh thường niên để phòng dịch. Trong một diễn biến khác, Đức cũng đã bổ sung Áo vào danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về COVID-19.