Căn biệt thự tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) nhìn ra hồ sắp hoàn thành.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, tại huyện Sóc Sơn có hơn 4.000 ha rừng phòng hộ, trong đó huyện quản lý hơn 2.000 ha, Ban Quản lý rừng (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) quản lý 2.000 ha.
Những sai phạm ở thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) tập trung chủ yếu trên diện tích đất rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Trung tâm phát triên Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng. Tuy nhiên trung tâm này mới thành lập từ năm 2014, trong khi vi phạm của 18 hộ trên đất rừng xảy ra ở đây là từ những năm trước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cũng đã chỉ ra những bất cập như dân ở trước, rừng có sau, tức là dân đến khai lập kinh tế mới, làm nhà đất ở đấy xong quy hoạch rừng thì "chụp mũ vào" thành ra nằm trong quy hoạch rừng.
"Nhưng những trường hợp cấp sổ đỏ vào đất rừng là sai. Đất lâm nghiệp thì không được xây dựng nhà, đấy là nguyên tắc. Ban quản lý rừng phải lập hồ sơ vi phạm. Trước kia lâm trường, UBND xã đã cấp giấy chứng nhận sổ đỏ nên khó khăn trong công tác cưỡng chế” - ông Chu Phú Mỹ nói.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã làm việc với cấp ủy đảng, chính quyền huyện Sóc Sơn và thống nhất phương án để Trung tâm phát triển Lâm nghiệp tập hợp hồ sơ vi phạm để chuyển sang UBND huyện Sóc Sơn và việc tổ chức cưỡng chế là thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Về việc xử lý trách nhiệm với các cá nhân của trung tâm, ông Chu Phú Mỹ cho biết còn chờ kết luận thanh tra toàn diện của thành phố.
“Nếu trung tâm không làm hết trách nhiệm sẽ xem xét trách nhiệm, trước mắt theo như Trung tâm báo cáo hồ sơ, các hộ làm đến đâu vi phạm cán bộ trung tâm đã lập biên bản và đề xuất cưỡng chế, nhưng do nguồn gốc đất phức tạp, nên huyện chưa tổ chức cưỡng chế được. Vừa qua đã chuyển hết hồ sơ sang huyện để huyện nghiên cứu, cưỡng chế. Trước mắt cũng vận động các hộ tự tháo dỡ” - vị Giám đốc Sở cho hay./.