Đột phá từ khó khăn
Nhắc lại những ngày đầu thành lập Cty, ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Biwase vẫn còn nhớ lời phê bình từ Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Minh Phương hồi đó: “Cấp nước cứ bì bõm trong phạm vi vài cây số xung quanh nhà máy”. Nguyên nhân là do công suất nhà máy đã nhỏ vì nguồn cung là mạch nước ngầm, lại phải gánh cả hệ thống đường ống cũ kỹ từ thời Pháp không có sơ đồ quản lý. Sự thay đổi bắt đầu từ năm 1997, khi tỉnh Bình Dương được Chính phủ chọn triển khai thí điểm thành lập khu công nghiệp (KCN) liên doanh đầu tiên Việt Nam- Singapore (VSIP), và được giao kiến tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ KCN như: Giao thông, điện, nước...
“Với công suất nhà máy và nguồn nước ngầm như thời điểm đó thì không thể nào đáp ứng nhu cầu đặt ra. Chúng tôi suy nghĩ và mạnh dạn trình, và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho chuyển từ xí nghiệp sang công ty dịch vụ công ích. Mô hình mới, cũng là thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tự tin sẽ đi đúng hướng...”- ông Thiền nhớ lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam (thứ hai từ phải sang) kiểm tra kênh Ba Bò vừa được cải tạo chống ô nhiễm.
Biwase thành lập với nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho khu vực đô thị Thủ Dầu Một, KCN VSIP và chuyển hẳn từ cơ chế “xin - cho” sang “mua - bán”. Nhưng để “mua - bán” được theo yêu cầu của khách hàng, Cty phải đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước mới từ nhà máy đến KCN VSIP dài 30km, cần số vốn rất lớn ngoài khả năng của địa phương. Được sự chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Biwase đã tiếp cận được với nguồn vốn từ Quỹ OECP (viện trợ phát triển không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản) để đầu tư 10km đường ống đầu tiên.
Đến năm 2001, Biwase cơ bản thay xong hệ thống đường ống cấp nước cũ, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý vận hành và tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn để phát triển thêm dự án mới đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển các KCN, đáp ứng tốt nhu cầu nước sạch tại các đô thị: Thủ Dầu Một, đô thị mới Bình Dương, thị xã Thuận An, Dĩ An...
Bảo đảm môi trường
Biwase còn được giao nhiệm vụ thoát nước đô thị, xử lý môi trường. Từ các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới (Worl Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); vốn viện trợ phát triển ODA của Nhật Bản, Hà Lan, Đan Mạch... Biwase đã đầu tư và vận hành hiệu quả Khu xử lý rác thải Nam Bình Dương (tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát) bằng công nghệ xử lý hiện đại, mỗi ngày tiếp nhận từ 1.000 - 1.500 tấn rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, rác thải nguy hại từ các bệnh viện, cơ sở sản xuất... Sau mỗi công đoạn xử lý rác thải, từ nhiệt độ, khí thải phát sinh trong quá trình ủ rác đều được thu gom tận dụng để phát điện, sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón... góp phần kéo giảm giá thành, tiết kiệm chi phí cho khách hàng.
Biwase còn sản xuất các sản phẩm nước cấp, nước uống đóng chai... phục vụ các nhà đầu tư tại các KCN.
Hiện nay, với mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị văn minh hiện đại, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nguồn nước mặt hai con sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt Nam Bình Dương do Biwase làm chủ đầu tư đã mang lại hiệu quả bước đầu. Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một đã đi vào hoạt động với công suất 17.000m3/ngày đêm. Các công trình thoát nước đô thị, hệ thống thu gom cùng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thuộc dự án trên đang được triển khai tại thị xã Thuận An, Dĩ An, cùng với dự án nâng cấp cải tạo kênh Ba Bò do Biwase trực tiếp thực hiện, đã giúp môi trường đô thị, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương trở nên xanh, sạch, văn minh hiện đại.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam: Hơn 80% đô thị tại Việt Nam đang lâm vào tình trạng ngập do thoát nước kém mà nguyên nhân là từ khâu quy hoạch. Tỉnh Bình Dương đã biết tận dụng cơ hội, tiếp cận khoa học công nghệ, quản lý tốt đầu tư cấp, thoát nước trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về quy hoạch cấp thoát nước, xử lý môi trường. |