Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

“Cát cứ”

Từ vụ việc luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), dư luận mới vỡ lẽ ra rất nhiều điều.

Đó không chỉ là việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, cục bộ ngành, địa phương, bổ nhiệm con em, phe cánh làm lãnh đạo... đang diễn ra rất nghiêm trọng mà còn là tình trạng “cát cứ”, đặc quyền trong công tác cán bộ cũng lộ rõ qua vụ việc này.

Ông Trịnh Xuân Thanh

Có thể nói, không chỉ trường hợp này mà bộ phận tổ chức cán bộ ở nhiều địa phương, bộ, ngành làm việc rất tắc trách, theo kiểu thích thì làm, không thì để đấy. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có văn bản đề nghị bổ nhiệm, trao đổi về công tác cán bộ thì lấy cớ này, cớ nọ “ngâm” hồ sơ hoặc phớt lờ. Do đó, nhiều người cho rằng muốn được việc thì phải “chạy”, phải “nhờ vả”... mới xong.

Trong khi đó, có những trường hợp, vì lý do “đặc biệt” nào đó, chỉ một vài ngày, thậm chí trong cùng một ngày đã có kết quả. Kiểu làm việc “ban phát”, tùy tiện không theo quy định, trình tự, thủ tục diễn ra khá nhiều nơi, lặp lại nhiều lần. Mặc dù chúng ta đã đẩy mạnh cải cách, công khai thủ tục hành chính nhưng trong công tác cán bộ hầu như chưa có chuyển biến bao nhiêu. Đáng nói là nhiều trường hợp các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền đều biết tình trạng này nhưng không xử lý rốt ráo. Nghiêm trọng hơn, đội ngũ cán bộ, công chức hình thành tư tưởng coi đó như đặc quyền, đặc lợi của cơ quan, người làm công tác tổ chức cán bộ nên thường bỏ qua mà không đấu tranh, yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật, “nhắm mắt” chấp nhận “chạy”, xin xỏ, nhờ vả để được việc.

Đây là nguyên nhân làm cho tình trạng “cát cứ” trong công tác cán bộ càng có cơ hội tồn tại, diễn ra ngang nhiên và ngày càng nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, công tác cán bộ rất quan trọng, quyết định sự phát triển đất nước, tồn vong của chế độ. Do đó, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh mạnh mẽ, quyết liệt công tác này. Theo đó, cần tiến hành kiểm tra toàn diện quy trình công tác cán bộ ở những cơ quan, đơn vị có dư luận không tốt hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác này. Đặc biệt, cần kiểm tra việc xử lý văn bản, phản hồi đề nghị, yêu cầu từ các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là việc cố tình gây khó khăn, “ngâm” hồ sơ trình bổ nhiệm, xin ý kiến về công tác cán bộ. Trường hợp phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm, công khai các tập thể, cá nhân có liên quan.