Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, năm 2015 được BHXH Việt Nam xác định là năm trọng tâm, bản lề của công tác cải cách hành chính. Vì vậy, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT một cách đồng bộ từ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho đến việc tổ chức thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực kê khai, thu, nộp BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH Việt Nam đã rà soát, đơn giản hóa các TTHC trên 2 nguyên tăc cơ bản: Đơn giản hóa việc khai báo của tổ chức, cá nhân trong kê khai BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; hạn chế tối đa việc yêu cầu người kê khai lấy xác nhận của cơ quan nhà nước, tăng cường sử dụng các thông tin, kết quả của các cơ quan nhà nước khác theo cơ chế phối hợp liên thông, không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải kê khai lại những thông tin đã cung cấp cho cơ quan BHXH.
Ảnh minh họa
Theo thống kê, đến thời điểm này, thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã giảm từ 115 xuống còn 33 thủ tục, thành phần hồ sơ; chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu giảm 82%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 78%... Việc bãi bỏ thủ tục xác nhận chữ ký sáu tháng một lần của người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản ATM, đã giúp khoảng 200.000 người hưởng chế độ không phải đi xác nhận chữ ký, việc bỏ mẫu đơn đề nghị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp cũng giúp khoảng 500.000 người hưởng bảo hiểm y tế không phải khai đơn… qua đó tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho cá nhân và xã hội. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã quy định nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả như qua giao dịch điện tử, dịch vụ bưu chính. Việc triển khai giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT bước đầu có hơn 82.000 đơn vị sử dụng lao động đăng ký sử dụng, BHXH các tỉnh, TP đã đạt tỉ lệ tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử trên 90% như: Trà Vinh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hưng Yên… Hết năm 2015, mục tiêu đặt ra là có trên 90% đơn vị giao dịch điện tử nhằm bước đầu tạo môi trường thực hiện thủ tục hành chính BHXH thông thoáng, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức cuộc thi “Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN” và đã nhận được hàng chục ngàn bài thi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành.
BHXH Việt Nam cũng xác định, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những biện pháp hiệu quả để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, trong năm 2015 đã tập trung nâng cấp, xây dựng mới một số phần mềm phục vụ công tác quản lý, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành, sẵn sàng cho việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ Trung ương tới các địa phương, khắc phục căn bản những bất cập về ứng dụng công nghệ thông tin…
Giai đoạn 2016-2020, BHXH Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hộ, bảo hiểm y tế. Đồng thời, thông tin bảo hiểm xã hội phải được tiếp cận dễ dàng nhằm cải thiện và phục vụ hệ thống án sinh xã hội toàn dân: “Khi Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016, ngày 2/1/2016, thủ tục hành chính chỉ còn 45 giờ. Chúng ta phải phấn đấu bằng cách rà soát các thủ tục hành chính, lược bỏ những thủ tục rườm rà, quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào. Đến cuối năm 2017, toàn bộ các thông tin, dữ liệu từ cấp huyện cho đến Bảo hiểm xã hội cấp trung ương liên thông với các ngành như Lao động, Y tế, Tài chính thành một mạng thống nhất. Năm 2020 sẽ cấp thẻ điện tử cho những người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” - Ông Nguyễn Đình Khương nhấn mạnh.