Bác Hương không giấu nổi xúc động khi nhắc tới chồng và anh rể.
Bác Phạm Thị Hương là vợ liệt sĩ Nguyễn Thế Bình, bác Phạm Thị Mùi là vợ liệt sĩ Vũ Huy Tâm. Đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của hai liệt sĩ. Đó cũng là nỗi niềm đau đáu suốt mấy chục năm qua. Trò chuyện với chúng tôi, bác Hương không giấu nổi sự xúc động: “Từ khi cưới nhau đến khi bác trai đi nhập ngũ, họ chỉ ở bên nhau vẻn vẹn 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 9 năm 1971) thì bác Bình nhập ngũ). Trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi ấy, hai vợ chồng cũng không thường xuyên được ở gần nhau vì bác trai học Đại học Thương mại, bác gái ở Gia Lâm. Tháng 4/1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, khi mà lớp lớp thanh niên “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”, bác Bình vào trong Nam, lúc bác đi, cậu con trai mới sinh được tháng rưỡi.
Bác Hương bùi ngùi nhớ lại: Con còn nhỏ, bản thân mới vượt cạn đôi khi cũng cảm thấy hoang mang và tủi thân, bởi thời điểm đó đáng lẽ người phụ nữ cần được người chồng gần gũi, quan tâm nhất. Nhưng như nhiều gia đình Việt Nam khác, trong hoàn cảnh ấy đều không thể khoanh tay đứng nhìn Tổ quốc bị lâm nguy. Chuyện tình cảm phải gác sang một bên để động viên chồng ra chiến trường cùng đồng đội, chiến đấu phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. “Vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, anh cứ yên tâm ra chiến trường, việc nhà hai bên nội ngoại, việc chăm con, cứ để em lo”, bác Hương vẫn nhớ như in lời động viên chồng.
Chỉ một lời nhắn nhủ rất giản dị: “Anh lên đường, em ở nhà trông nom con cái”, để rồi hòa bình đã lập lại mà bác trai thì vẫn chưa về. Hơn 40 năm rồi, nhưng nỗi đau vẫn còn quá lớn - đó là nỗi đau của những người vợ liệt sĩ đã tảo tần, hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để chồng yên tâm đi nhập ngũ và nuôi nấng những đứa con thơ nên người.
Thành kính trước bàn thờ hai liệt sĩ.
Vẫn có nhau để nương tựa
Đã gần 30 năm nay, căn nhà của bác Phạm Thị Mùi ấm cúng hơn bởi sự có mặt của em gái Phạm Thị Hương. Ở phường Nam Đồng (Hà Nội) này, ai cũng biết tới hoàn cảnh các bác. Nhà chỉ có hai chị em gái, lại cùng hoàn cảnh mất chồng từ khi còn rất trẻ, thương chị hay đau yếu (bác Mùi bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn đã hơn chục năm), bác Hương chuyển về ở cùng và chăm sóc cho chị. “Mấy năm nay, bác Mùi yếu, không ra khỏi nhà được, tôi vừa chăm chị, vừa chăm cháu cho con đi làm. Cũng may chị có tiêu chuẩn vợ liệt sĩ cô đơn nên có tiền thuốc thang. Năm ngoái, bác Mùi nằm viện dài ngày, con trai, con dâu tôi cũng thay nhau nghỉ việc, đỡ đần mẹ chăm sóc bác”, bác Hương kể.
Hoàn cảnh mẹ góa con côi, chị đau yếu, nhưng mẹ con, bác cháu cứ tựa nhau mà sống, rau cháo đắp đổi qua ngày. Năm nay, con trai bác Hương đã 45 tuổi, có hai cháu trai. “Tôi vẫn luôn dặn con trai rằng: Con muốn làm gì thì làm, vẫn phải lấy gương của bố, nuôi dạy các con nên người và sống có ích cho xã hội”, bác Hương cho biết.
Hai chị em là vợ liệt sĩ nương tựa nhau mỗi ngày.
Sau nhiều năm mẹ con, người thân lăn lộn khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong Quảng Trị để tìm mộ chồng và anh rể, đến nay sức đã gần cạn, tiền cũng không còn để tiếp tục hành trình tìm kiếm. Đi hỏi mấy nơi (qua đường duy tâm), gia đình được biết bác trai đã ở nghĩa trang, xong chưa xác định được danh tính. Không biết bấu víu vào đâu, gia đình cứ tin vậy và thỉnh thoảng lại vào nghĩa trang đó thắp hương. Bác Hương tâm sự: “Trăm sự bây giờ đều nhờ vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước qua việc giám định AND”. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, bác cũng mong, nếu đồng đội nào biết trận đánh hoặc có manh mối gì về phần mộ của các liệt sĩ thì báo cho gia đình theo địa chỉ: Bà Phạm Thị Hương, vợ liệt sĩ Nguyễn Thế Bình, hi sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam. Địa chỉ nhà: Số 8C11, Tập thể Hoàn Cầu (Hẻm 119/1/6, ngõ 25 phường Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội). Số điện thoại: 0243.55330904.
Thắp nén nhang thơm trên bàn thờ liệt sĩ, hai chị em bà Hương, mỗi người đều nhớ về kỷ niệm của những năm tháng hào hùng mà cả dân tộc cùng đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và thầm cảm ơn, sau nhiều năm trôi qua, họ vẫn có nhau để nương tựa. Thời gian trôi đi, sức khỏe của hai bác có thể kém dần, nhưng họ vẫn rất lạc quan trong cuộc sống, bởi tình yêu thương, bởi sự hi sinh của hai người chồng yêu dấu chưa bao giờ là vô nghĩa. Chắc rằng, ở một nơi nào đó, người anh rể, người chồng của bác Hương cũng như các anh hùng đã hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc sẽ vẫn mỉm cười bởi chính sự hi sinh của họ đã mang lại độc lập, tự do, mang lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho quê hương, đất nước.
Ấm áp và ý nghĩa hơn là hai chị em bác Mùi và bác Hương vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, của những người hàng xóm.
Vân Nhi/GĐTE