Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đề ra tại Lễ tổng kết 5 năm hoạt động 2014-2019 của tổ chức này vào sáng 24/12 tại Hà Nội.
Gần 5.000 người được hỗ trợ sinh kế
Trong 5 năm qua, từ nguồn quỹ Hội và tài trợ của Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước và đồng hành của Quỹ Hòa bình Mỹ Lai, nhóm từ thiện TP HCM, Hội đó tiến hành 26 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn 19 lượt tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn.
Tổng số người đã được hỗ trợ sinh kế và tặng quà của Hội gần 5.500 người, trong đó có 240 gia đình nạn nhân được hỗ trợ 01 con bò giống sinh sản (riêng nạn nhân tỉnh Hà Giang đã được trao 93 con, Quảng Nam 80 con, Quảng Bình 35 con, Đà Nẵng 16 con…. đến nay đàn bò tại các tỉnh đã phát triển thêm hàng chục bò con). Gần 5.000 người được hỗ trợ sinh kế và nhận quà tặng với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: tặng nhà tình nghĩa (35 triệu đồng/ nhà) hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ từ 5- 12 triệu đồng/ người), tặng một số phương tiện nghe nhìn ( tivi 42 inch), hàng trăm chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hội chức năng cho nạn nhân, tặng tiền quà nhân dịp tết Nguyên đán cho 957 gia đình nạn nhân và 200 suất quà tết, tặng cho học sinh và nhân dân các địa phương được: 4 bộ máy vi tính, 450 chăn ấm, trên 2000 áo ấm, 300 mũ len… tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc và hỗ trợ tiền thuốc cho gần 1000 nạn nhân bom mìn, gia đình chính sách, nạn nhân da cam và người nghèo, hỗ trợ quỹ nâng bước em đến trường 156 triệu đồng, trao tặng hàng ngàn sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh các Trường dân tộc nội trú và 3.000 bộ sách truyện tranh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho thiếu nhi và học sinh trường học các địa phương …
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội đưa ra các giải pháp hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn trong năm 2020.
Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, Hội cũng kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ đột xuất tới gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất như: 6 nạn nhân bom mìn, trong đó có một trường hợp tử vong tại Quảng Bình, 8 nạn nhân trong vụ bị tai nạn bom mìn tại Văn Phú/ Hà Đông/ Hà Nội, thăm hỏi tặng quà hỗ trợ một số nạn nhân tại Hải Phòng, Sóc Sơn/ Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị. Phú Yên, và gần đây đã hỗ trợ đột xuất trong vụ nổ 6 nạn nhân bị chết, 1 bị thương nặng tại Khánh Sơn/ Khánh Hoà và 2 nạn nhân trong vụ nổ tại Yên Phong/ Bắc Ninh…. Như vậy, với số tiền hàng trăm triệu đồng được Trung ương Hội trực tiếp hỗ trợ đến nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất và gia đình họ đó góp phần quan trọng động viên giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn.
Tập trung hỗ trợ sinh kế
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Hội cho biết, sau khi trao hỗ trợ sinh kế, Hội đã chỉ đạo các chi hội cử cán bộ có trình độ chuyên môn tương ứng và phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, sử dụng công cụ cho nạn nhân, hoặc vận hành các công cụ được hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, được dư luận chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao về hoạt động nhân đạo của Hội. Bằng những hoạt động hiệu quả và thiết thực nêu trên, Hội đã khẳng định được uy tín, niềm tin và từng bước trở thành một địa chỉ tin cậy, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, mang tính bền vững cho nạn nhân bom mìn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam nhấn mạnh, năm 2020 và những năm tiếp theo, tập trung nghiên cứu vận dụng các mô hình như hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ, đồng thời, sẵn sàng xử lý việc hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn đột xuất do bom mìn trên các địa bàn. Hội cũng tập trung khảo sát đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình "ngân hàng bò" mà tổ chức đã hỗ trợ những năm qua tại các địa phương.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hòa bình Mỹ Lai và các tổ chức xã hội nhân đạo, từ thiện để mở rộng địa bàn hỗ trợ sinh kế, kết hợp khám chữa bệnh cho người nghèo, nạn nhân bom mìn, chất độc da cam, người tàn tật và các đối tượng chính sách tại các địa phương trọng điểm, vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa và khắc phục hậu qủa bom mìn, vật nổ sau chiến tranh cũng như vận động tài trợ, quản lý sử dụng các nguồn vốn tài trợ. Nâng cao hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, bền vững. Triển khai nghiên cứu vận dụng các mô hình khác như: hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ.
Tiếp tục triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ LĐ-TB&XH xây dựng quy định về thống kê nạn nhân bom mìn, nhu cầu của đối tượng trong khuôn khổ cơ sở dữ liệu về người khuyết tật, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất việc thống kê nạn nhân bị chết do tai nạn bom mìn, nhu cầu của gia đình đối tượng…
Với số lượng ước tính khoảng 800.000 tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, tính mạng người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có 62.163 người bị thương và 42.135 người chết do tại nạn bom mìn, vật nổ, hậu quả để lại là hết sức nặng nề.
Trước thực trạng số lượng nạn nhân bom mìn còn rất lớn và đời sống, sức khỏe, hoàn cảnh của nạn nhân còn nhiều khó khăn, trong 5 năm qua (2014-2019) Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã góp phần tích cực "Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn - Vì cuộc sống bình yên và phát triển." Trong công tác hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn, tổ chức này đã tiến hành 26 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế nạn nhân ở 19 lượt tỉnh, thành phố. Tổng số người đã được hỗ trợ sinh kế và tặng quà gần 5.500 người. Trong đó có 240 gia đình nạn nhân được tặng bò giống.
Theo Nguyễn Síu - Mạnh Dũng/Baodansinh.vn