Cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại những cuộc hôn nhân ở 3 trạng thái: Hạnh phúc, bình yên và bất hạnh. Điểm chung của họ là mọi sự khởi đầu đều tốt đẹp cho đến khi họ chung sống. Và chuyện yêu 5 tháng hay 5 năm, 10 năm... đến lúc bước vào hôn nhân vẫn chẳng có ý nghĩa gì nếu mỗi người chúng ta không biết vun đắp.
Vậy nên, thay vì nói tình yêu là giả tạo hãy thừa nhận trái tim của con người mới là thứ bị xáo trộn nhiều nhất. Thay vì nói hôn nhân đầy mâu thuẫn, tồi tệ hãy suy nghĩ bạn đã yêu đúng cách hay chưa.
Tôi đã mất 3 năm để theo đuổi vợ cũ nhưng kết quả vẫn là con số 0. Chúng tôi từng có 1 tình yêu rất đẹp. Kể cả khi bước vào hôn nhân, mọi thứ rất suôn sẻ. Thế nhưng bước sang năm chung sống thứ 2, tôi phát hiện ra cô ấy có nhiều điều khác xa những gì tôi kì vọng. Tôi chán nản tìm người yêu cũ tâm sự. Vợ tôi biết nhưng cảnh cáo nhẹ nhàng. Chẳng êm ấm được bao lâu thì chúng tôi liên tục bất đồng quan điểm. Tôi không chịu nổi sự thay đổi của cô ấy. Cuối cùng tôi đã lao vào vòng tay của một người đàn bà khác. Thậm chí đó còn là người quen mà vợ tôi biết. Kết quả chúng ta đã cãi nhau nảy lửa.
Cô ấy vẫn không dám ly hôn, có lẽ là vậy dù tôi ruồng rẫy rất nhiều. Cô ấy bảo nếu không vì các con thì quên tôi lâu rồi. Đến khi tôi ngoại tình lần thứ 3 cô ấy đã lạnh lùng đặt trước mặt tôi tờ đơn mà không rơi 1 giọt nước mắt. Sau đó chúng tôi chia tay trong hòa bình.
Nửa năm mới gặp lại mà cô ấy khác hẳn. Tôi chán ngán những cuộc tình chớp nhoáng chẳng đâu với đâu. Vì được bố mẹ động viên nên tôi quyết chinh phục cô ấy lần nữa để cả nhà được đoàn tụ. Nhưng hết năm này đến năm khác trôi qua cô ấy vẫn như 1 tảng băng trôi. Sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ tôi như 1 người bạn nhưng quay lại thì không. Đến lúc tôi quá bất mãn với kiểu quan hệ dùng dằng này thì cô ấy ném vào mặt tôi đáp án mà tôi không tin nổi: "Nếu có thể tha thứ cho anh tôi đã không nghĩ đến chuyện ly hôn".
Đó là 1 tâm sự chát đắng của anh chồng vừa nhận ra mình đã mất đi thứ quý giá nhất của cuộc đời. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy thử đặt mình vào cô vợ trong câu chuyện trên để suy nghĩ: Nếu đối mặt với tình huống này, bạn có nên vì con có đủ cha đủ mẹ mà cho chồng cũ 1 cơ hội?
Trước khi nghĩ đến ly hôn, hãy nói về chuyện tái hôn và tha thứ
Cuộc đời này không có gì là tuyệt đối, nhất là tình cảm của con người. Thế nên việc chúng ta vạch sẵn ra các tình huống xấu có thể xảy đến là điều rất cần thiết.
Thực ra vấn đề khó giải quyết nhất có lẽ là trả lời câu hỏi "Có nên tha thứ cho chồng cũ khi anh ta đã hối cải?".
Vấn đề này khá phức tạp và dường như không có đáp án chính xác. Bởi tha thứ hay không đều ổn và có những rủi ro riêng. Nói 1 cách đơn giản, hãy nhìn về cả 1 quá trình chứ không nên nghe 1 câu hỏi rồi vội vã trả lời.
Thành thật mà nói, sau khi bị tổn thương bởi 1 mối quan hệ, khoảng một nửa số người ly hôn muốn tha thứ và một nửa thì không. Nhưng nếu có cơ hội, nếu bạn vẫn không có lựa chọn nào tốt hơn, những người đã từng không muốn tha thứ sẽ chọn cách tha thứ sau một thời gian dài. Họ sẽ chấp nhận sự trở lại của người đàn ông ấy ngay cả khi họ vẫn cảm thấy nhiều thứ lấn cấn trong lòng. Nhưng điều họ thấy nên làm lúc này là quên đi quá khứ càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, phải đề cập đến trường hợp những người chọn tha thứ sẽ có hơn một nửa cơ hội hối tiếc trong tương lai. Họ có thể bỏ lỡ người đàn ông tốt hơn để tái hôn hoặc những điều hấp dẫn chưa xảy đến.
Nếu trong lòng bạn vẫn phân vân, đắn đo tốt hơn là không tha thứ. Do đó, tha thứ hay không phụ thuộc vào mức độ tin tưởng giữa bạn và người ấy. Hãy tự hỏi mình, liệu bản thân có thể chịu đựng tổn thương thêm một lần nữa hay không.
Nếu bạn đã đạt đến đỉnh điểm của sự đau đớn, tốt nhất là "không dễ dãi". Bởi vì người đã làm tổn thương bạn một lần, nếu điều đó lặp lại, tâm lý của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đừng "đặt cược" nếu bạn không đủ khả năng để đau thêm nhiều lần nữa.
Ở 1 góc độ nào đó, cô vợ trên đã đúng. Nếu tha thứ được cô ấy đã không ly hôn. Bởi trước khi ly hôn cô đã tha thứ quá nhiều lần. Anh ta yêu và tôn trọng cô thật sự thì đã không làm tổn thương vợ đến thế. Mỉa mai mà nói, sự chung thủy của 1 tuýp đàn ông chỉ tồn tại cho đến khi anh ta tìm được đối tượng "ngon" hơn. Còn anh chồng ấy, "ra ngoài" chán chê mới thấy chẳng ai bằng vợ mình. Vậy sao có thể gọi đó là sự hối cải, nó chính xác là không còn lựa chọn nào tốt hơn.
"Anh không đủ điều kiện để xin lỗi chứ đừng nói đến xin tha thứ"
Có nhiều cô vợ gay gắt như thế đấy. Bởi sau khi bị phản bội đau đớn, sau khi vật nài mà vẫn bị ép kí vào tờ đơn ly hôn, cô ấy đã từng khóc đến muốn chết đi sống lại. Người đàn ông xin được tha thứ xuất hiện trong giấc mơ mỗi đêm đến mức phụ nữ học cách cứng rắn trên nền tảng tuyệt vọng.
Đến một lúc nào đó khi phụ nữ nhận ra những giọt nước mắt thôi rơi, những bất bình đã phải chịu, những tổn thất lớn cả về thể xác, kinh tế lẫn tinh thần đều tự mình vượt qua hết thì lời xin lỗi hay thiện chí của đàn ông còn tác dụng gì nữa?
Mỗi người phụ nữ cứng rắn và mạnh mẽ là đều trưởng thành từ những tổn thương. Chúng ta đã có cả 1 quá trình từ đau khổ, níu kéo đến tha thứ, vun đắp nhưng điều cuối cùng nhận được vẫn là ly hôn. Chúng ta học cách quen với nỗi buồn, đối diện với sự tiêu hao của thời gian, con người. Chúng ta cố đứng lên từ "vũng bùn hôn nhân" để rũ bỏ quá khứ, độc lập và kiêu hãnh, tự nắm bắt lấy hạnh phúc của mình thì sao chúng ta phải tha thứ?
Vậy đấy, ngay cả khi chúng ta đã là cả thế giới của nhau rồi lạnh lùng đẩy mình ra xa đời nhau thì tha thứ hay quên đi, quay lại hay bước tiếp đơn giản chỉ là quyết định ở thời điểm bấy giờ. Quan trọng hơn cả vẫn là tự trân trọng và giữ gìn những gì mình đang có, đừng để nó vụt mất mới vật nài để xin những cơ hội mong manh.