TS Phạm Ngọc Hưng, giáo viên môn Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Cấu trúc đề chuyên Toán (vòng II) trường THPT Chuyên KHTN năm nay gồm 4 bài toán, với các ý hỏi trong mỗi bài tương tự 3 năm gần đây. Các bài toán chủ yếu thuộc chương trình lớp 8 - 9, một số phần số học cần vận dụng các kiến thức đã được học trong lớp 6 - 7 để giải.
Các bài toán chủ yếu ở dạng vận dụng cao, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng thực sự tốt; Khoảng 50% số câu hỏi ở mức độ trung bình đến trung bình khó, đa thí sinh có thể giải được. Một số ý của đề bài ở mức vận dụng cao như câu 2b, 3c. Câu hỏi tương đối khó như bài 4. Các thí sinh phải được ôn luyện bài bản, nắm vững các phương pháp giải, có tư duy tốt, suy luận tốt thì mới có thể giải được hết bài toán trong đề. Đề thi có mức độ phân hóa tốt, có khả năng lựa chọn những học sinh xuất sắc để học chuyên toán.
Bài 1: Bài toán gồm 2 ý, có sự khác biệt nhỏ so với 2 năm trước. Các năm trước, đề bài thường là 2 bài toán liên quan đến phương trình và hệ phương trình. Năm nay, phần 1a là một bài toán chứng minh đẳng thức với các đối số có điều kiện. Phần 1b là bài toán hệ phương trình cũng không quá phức tạp. Học sinh có kỹ năng biến đổi tốt là có thể giải được bài 1. Đa số học sinh sẽ làm được bài tập này.
Bài 2: Gồm 2 ý. Ý thứ nhất là một bài toán phương trình nghiệm nguyên dạng lũy thừa. Ý 2 là bài toán tìm cực trị của biểu thức với các ẩn số thỏa mãn điều kiện cho trước. Bài 2 cần học sinh phải có khả năng vận dụng tốt các kiến thức về số học, chia hết, các BĐT AM-GM để giải.
Bài 3: Là bài toán hình gồm 3 ý. Ý 1 và ý 2 không quá khó vì nó không quá lạ đối với học sinh học tốt phần hình. Ý thứ 3 khá khó, đòi hỏi học sinh phải vận dụng tốt các kiến thức về hình học phẳng để giải.
Bài 4: Tương tự như các năm trước, bài 4 luôn là bài toán khó nhất đối với thí sinh. Bài toán đặc trưng cho đề thi KHTN. Để giải được bài toán này, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tốt về số học.
Với đề thi này, phổ điểm trung bình khoảng 5-6 điểm. Học sinh ôn luyện tốt có thể đạt 7-8 điểm, điểm 9-10 sẽ rất ít.
Thầy Hưng cũng chia sẻ thêm: "Thi Toán chuyên KHTN luôn là thử thách lớn cho các thí sinh. Thử thách này đòi hỏi học sinh phải có năng khiếu toán học và sự chuẩn bị rất tốt. Các bài toán trong đề thi thường ở mức độ khó. Nhiều năm còn có những bài toán thuộc dạng rất khó. Học sinh có định hướng ôn thi chuyên Toán KHTN đòi hỏi phải có đam mê, năng lực thực sự trong tư duy toán học. Học sinh cũng cần có định hướng rõ ràng ngay từ những năm đầu cấp 2. Các phương pháp giải toán, kỹ năng đọc đề và phân tích đề để tìm cách giải luôn phải được rèn luyện và trau dồi. Tư duy logic và kỹ năng trình bày cũng là những yếu tố không thể bỏ qua".
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng nhận định, về cấu trúc đề thi khá tương đồng với những năm trước. Tuy nhiên, đề dễ thở hơn do bớt bài tổ hợp thuần túy, tăng bài bất đẳng thức (2 bài); đồng thời khối lượng tính toán có giảm nhưng bài hình vẫn giữ độ phức tạp. Câu 1 là câu Đại số khá đơn giản, nhiều học sinh sẽ làm tốt. Ý 1 chỉ cần thay giả thiết vào và biến đổi là xong. Ý 2 là hệ phương trình mà phép đặt ẩn phụ khá lộ, đặt xong thì bài toán trở nên đơn giản. Câu 2 có ý 1 là phương trình nghiệm nguyên chứa ẩn ở số mũ, cần xét tính chẵn - lẻ của ẩn, kết hợp tính chia hết. Ý 2 là bài bất đẳng thức có tính đối xứng, học sinh khá dễ đoán dấu bằng và xử lý. Câu 3 về Hình học là câu mà trường KHTN thường ra khó và rắc rối. Chỉ có ý 1 là dễ kiếm điểm, từ ý 2 thì Hình đã trở nên khá rối. Ý 3 đòi hỏi học sinh quan sát hình tốt để thấy mối liên hệ giữa các góc, từ đó mới có thể giải quyết bài toán. Câu 4 là dạng bài bất đẳng thức khá lạ với hsinh, đòi hỏi các em có tư chất tốt hoặc đã từng ôn luyện qua. Giống như ý 3 câu 3, câu này sẽ không nhiều học sinh làm được.
Nhìn chung, đây là đề khó với học sinh, phổ điểm rơi vào khoảng 5 - 5,5. Để đạt mức điểm từ 8 trở lên sẽ không nhiều. Đề có tính phân loại cao, mang đặc trưng riêng của KHTN.