Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cây táo gai

 
Chẳng biết cây táo gai này do ai trồng và bao nhiêu tuổi rồi, hồi ấy tôi còn trẻ con nên chẳng cần thắc mắc, tôi chỉ háo hức nhìn lên tán cây táo, mê say dõi theo những quả táo thuôn xanh nõn bóng, mà nhỏ nước miếng. Những ngày thu, trong nắng vàng, xen giữa những lá táo tròn tròn mặt trái ánh bạc, nổi bật những trái táo xanh nõn bóng, và tôi không chế ngự nổi cơn thèm. Tôi chờ bà ngủ trưa, giấc trưa mệt nhọc sau cả buổi sáng dài làm việc đồng áng, thì tôi mới lén lấy cái sào tre dài gác dưới mái giọt gianh nhà bếp, mang ra cây táo gai, đập táo cho rụng.
Phải đập se sẽ thôi, để làm sao táo rụng, mà tiếng động không làm bà tôi tỉnh giấc. Bà mà tóm được đứa nào đập táo lúc xanh, và kể cả khi chín rồi mà chưa có phép, thì bà đánh què cẳng. Lời đe dọa đó của bà hữu dụng lắm, trong hầu hết thời gian. Nhưng trưa mùa thu ấy, tôi vẫn cứ đập táo. Vài quả táo non cùng lá táo rơi xuống. Tôi nhặt quả ăn, còn lá táo rụng thì khôn hồn mà dọn sạch, để bà tôi không phát hiện có kẻ đập táo.
 
Táo non quả vừa bé, lại nhạt và khi nhai ra toàn dớt trong miệng, vậy mà tôi cũng nhằn kỹ trơ hột. Tôi hồi bé trèo cây giỏi như một con khỉ, nhưng tôi cũng không dám trèo lên cây táo gai, bởi tán của nó mọc gai chi chít, gai nhỏ và nhọn, đâm vào da thịt buốt không chịu nổi. Đó là cách cây táo gai bảo vệ quả của mình trước những đứa trẻ thèm ăn quả xanh như tôi. Nhưng cây táo gai dùng gai đâm tôi, thì tôi dùng sào đập nó. Tôi cũng khôn lắm chứ đùa! Vốn sinh ra ở vùng nông thôn, thời bao cấp đói kém, đang tuổi ăn tuổi lớn, thiếu chất kinh khủng, tôi phải tranh ăn cả quả duối chín vàng với con rắn độc, thì mấy cái gai của cây táo không cản nổi tôi, tôi phải học được bài học sinh tồn với thiên nhiên chứ.
 
 
Giáp Tết, những quả táo đã lồ lộ trên tán, quả nào quả nấy căng tròn, mọng nước, hứa hẹn ngọt ngào. Lá táo cũng rụng vợi để dồn năng lượng nuôi quả ngọt. Thấp thoáng có quả lứa hoa đầu, đã chín tới nỗi da chuyển màu cánh gián. Bà tôi khấp khởi, đợi tới hôm rằm, sẽ hái táo đi chợ làng bán, thêm đồng thêm hào mua đỗ, mua tiêu, mua thịt gói bánh chưng.
 
Thế mà mới sớm mười ba tháng chạp, khi bà tôi trở dậy, đi tới vại nước tiểu đặt dưới gốc táo gai để xả bớt bụng nước tích qua đêm, thì phát hiện ra rất nhiều lá táo còn tươi rụng dưới gốc, thậm chí có cả quả táo rơi rớt quanh đó. Bà tôi nhìn lên tán cây táo gai, thì trời hỡi trời, tán cây tan tác, chẳng còn quả táo nào nữa! Có kẻ trộm đã lẻn lấy táo ban đêm. Thật kinh khủng, cây táo nhiều gai như thế, ban đêm sao biết đường mà tránh gai đâm, tên kẻ trộm quả là cao tay! Tường rào cao, gai giăng bẫy, vẫn không ngăn được tên trộm táo.
 
Tôi tức lắm, phăng phăng đi ra sau nhà, tôi biết đứa nào ăn trộm táo, chỉ là không bắt được quả tang mà thôi. Tôi chửi rầm rĩ lên, bắt chước bà nội tôi vẫn chửi khi mất trộm gà. Bạn thử tưởng tượng một đứa trẻ con lên 10 tuổi mà chửi thì kinh khủng và kỳ khôi tới mức nào. Nhưng mà tôi tức quá, giận quá, và tiếc quá. Tôi giận lây sang bà tôi, cứ cấm không cho tôi ăn táo, để dành mang đi chợ bán, bà xem đó, bây giờ thì bán đi đâu?
 
Trước thái độ hùng hổ của tôi, không hiểu sao bà nội lại bật cười ngặt nghẽo. Bà bảo, thôi cháu đừng chửi vóng sang nhà hàng xóm nữa, im đi rồi bà ra chợ, mua cho mớ táo về ăn thả cửa. Bà tôi làm thế thật sự, chưa bao giờ bà hào phóng đến thế. Tết đó, tôi được ăn táo thường xuyên, ăn phát chán, nhưng không phải táo của nhà mình, mà táo bà mua từ chợ làng. Khi tôi nhằn hột, bà bảo giữ lại những hột lớn nhất, phơi khô. Tôi cũng chẳng buồn thắc mắc xem bà tôi giữ hột lại làm gì. Trẻ con chỉ cần cho ăn những gì nó thích là nó im miệng thôi.
 
Hóa ra vào mùa xuân đó, bà ươm táo từ những hột táo đẹp nhất. Được rất nhiều cây táo giống, có lẽ toàn giống táo gai cả thôi, và bà bứng gốc, mang sang nhà hàng xóm tặng họ, mỗi nhà bà tặng một cây táo giống để trồng. Cẩn thận tới nỗi, vài ngày bà lại sang hàng xóm thăm hỏi, nhưng ý nhị nhắc khéo họ chăm sóc cây táo gai nhỏ. Chừng dăm năm sau, xóm tôi nhà nào cũng có cây táo gai cho quả sai kín cành, chín rộ dịp Tết. Trên bàn thờ cúng gia tiên các gia đình trong xóm, luôn có đĩa táo gai quả bóng mượt ngon lành. Chẳng ai thèm ăn trộm quả cây táo gai nhà tôi nữa, và tôi cũng lớn lên, không lén lấy sào đập táo non như trước. Con bé đanh đá cá cầy là tôi hồi ấy, giờ lớn lên thành một cô gái dịu hiền hơn.

Kiều Bích Hậu/TC GĐ&TE