Nhà bố mẹ tôi thuê ở phố Ngói (TP Bắc Ninh), chủ nhà đòi lại nên đành phải vào trong nhà bà ngoại trú nhờ. Tôi cứ tha thẩn ở cánh đồng Đọ Xá hoặc trốn ra sau nhà đọc sách. Cây vối mọc vượt lên đầu hồi hành xóm, cành lá xùm xòa là bạn cùng tôi những tháng ngày ấy. Tôi trèo lên chạc cây ngồi đọc sách hoặc đôi khi giỡn chơi với chú em. Bà ngoại tôi bán phở ngoài chợ Nhớn nên mọi việc bà giao cho mẹ tôi trông nom nhà cửa. Có hôm mẹ tôi cắt nhành tỉa lá, cây vối xanh tươi thế mà bây giờ nhựa ứa ròng ròng. Mẹ tôi lấy bùn trát vào chỗ nhựa ứa cho khỏi đau cây. Mấy ngày liền mẹ tôi băm cành chặt lá, phơi chật khoảng sân trong. Mẹ bảo: “Phơi vối dăm nắng cho được nước. Con sẽ thích nước vối cho mà xem”. Tôi ngồi bên cạnh xem mẹ vun đống lá cành rồi đưa vào bồ tre tưới nước ngâm ủ. Còn nụ vối vàng ươm thì mẹ tôi phơi riêng, lọc ra cho vào ấm tích để cả nhà dùng dần... Dăm bữa sau, mẹ tôi hãm nước đầu đưa lên mời bà ngoại, dì và cậu tôi. Nét mặt ai đấy đều hân hoan, rạng rỡ. Tôi là cháu ngoại, thuộc con đầu cháu sớm nên cũng được hưởng vinh dự này. Khó có thể quên bát nước vối đầu đời như thế. Nước có vị riêng ngọt và đắng, dư vị trên lưỡi còn đọng lại khá lâu. Những ngày hè nóng nực, tôi chạy từ phố lục ấm nước vối tu ừng ực cho thoả cái khát nung nấu trong người. Mẹ tôi mắng yêu: “Uống từ từ thôi con ạ. Mày uống thế thì bao nhiêu nước vối cho vừa”. Tôi chỉ biết cười trừ.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: Internet).
Bà ngoại tôi cũng không còn bán phở vì lương thực thực phẩm thu về theo tiêu chuẩn tem phiếu cấp phát theo định lượng. Bà không muốn làm phiền con cháu nên sắm chiếc ấm tích, đôi ba bát ra chợ bán nước vối cho người qua đường. Cây vối sau nhà ngày một trụi lá vì thu hái thường xuyên, bây giờ lại là nguồn sống cho bà những ngày vất vả, lận đận. Ai cũng thích nước vối cụ Mộc do tính sởi lởi của bà ngoại tôi. Cái thứ nước đỏ sẫm với nước mưa trong bể có vị đắng ngọt riêng nên bà ngoại tôi cũng bán được dăm ba ấm, đỡ tiền rau dưa hàng ngày. Mỗi lần đi công tác xa về thăm bố mẹ, bao giờ tôi cũng sang thăm bà ngoại. Nhìn lưng bà đã còng, tóc bà bạc trắng, dáng đi chậm chạp, tôi nhắc: “Bà ơi, bà nên nghỉ ngơi, con cháu sẽ lo cho bà. Sao bà lại khổ thế!”. Bà móm mém cười: “Bà cũng chưa đến nỗi phải nhờ cậy bố con mày. Bà đi bán nước vối cho khuây khỏa chứ ăn tiêu là mấy”. Rồi bà ngoại còn dúi vào túi áo tôi vài nghìn đồng. Tôi nằng nặc trả bà, tôi làm sao nhận số tiền dành dụm ít ỏi ấy của bà. Nhưng tôi biết đấy là tấm lòng của bà với thằng cháu ngoại bà quí bà yêu. Nhìn dáng bà tay xách ấm nước vối liêu xiêu trong ngõ nhỏ, tôi không dám ngó nhìn bà lâu...
Bà ngoại tôi giờ đã “khuất núi”. Cậu tôi thừa hưởng căn nhà bà để lại, con cháu đông nên nhà xây cứ tiến mãi vào trong... Cây vối không còn... Nước vối ngày nay người ta cũng ít dùng. Chè San, chè Tân Cương, chè Nghĩa Lộ, chè Tuyên Quang, chè Suối Giàng... tràn ngập, ai muốn dùng bao nhiêu tùy thích. Do làm báo, tôi cũng qua nhiều hàng quán, khách sạn nên hầu hết các đồ uống tôi cũng đã được thưởng thức. Thế mà mỗi khi chủ quán xướng lên “ở đây có nước vối quê hương” là kỷ niện xưa trong tôi lại rưng rưng hiện về. Choán trong tâm tưởng là hình ảnh bà ngoại, tóc bạc trắng, miệng móm mém cười mà bảo với tôi rằng: “Cây vối này được nước lắm đấy cháu ạ!”