Phải chăm con trong tình trạng bệnh viện quá tải như những ngày này khiến nhiều phụ huynh mệt mỏi, bơ phờ. Chị Lê Thị Thủy (31 tuổi, ở Tiền Giang) cho biết, con mới nhập viện chiều 6/10, nhưng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) quá đông.
"Y tá vừa dẫn 2 mẹ con vào phòng thì tôi thấy ngợp, nhìn chỗ nào cũng người, đồ đạc, quần áo ngổn ngang. Xung quanh thì trẻ con quấy khóc do nóng nực, bí bách. Cha mẹ ai cũng mệt mỏi, nhưng con ốm thì phải chịu thôi", chị Thủy nói.
Người mẹ này cho biết, con chị hơn 2 tuổi, đã bị sốt 9 ngày, điều trị ở bệnh viện địa phương không khỏi. Sốt ruột, chị bỏ hết công việc để đưa con lên Sài Gòn nhập viện.
Nghe tiếng sấm báo hiệu trời sắp mưa, chị Hà Thị Hồng (28 tuổi, quê ở Bến Tre) cầm chiếc chiếu đi khắp tìm chỗ ở hành lang bệnh viện để trải, giành chỗ cho con nằm.
Chị cho biết, con 13 tháng tuổi nhập viện 5 ngày, các giường ở khoa Hô hấp chật kín. Một giường có 5-7 em chen chúc nhau nằm. Nóng nực không chịu được nên trẻ con quấy khóc suốt đêm.
Thấy con ngủ trên giường không ổn, chị Hồng trải chiếu xuống nền nhà ở lối đi. Tuy nhiên nhiều người đi ra đi vào, bước qua mặt nên chị bế con ra hành lang tìm chỗ tá túc.
Phụ huynh mệt mỏi vì chăm con ở bệnh viện. Ảnh: Lê Quân.
"Nằm ở ngoài hành lang trời nắng còn đỡ chứ khi mưa, các bậc cha mẹ, người nuôi bệnh lại lũ lượt xách đồ chạy. Nhìn thảm lắm, như cảnh màn trời chiếu đất", chị Hồng than thở.
Con trai 18 tháng, bị sốt nhiều ngày không khỏi, chị Đỗ Hương Quỳnh (25 tuổi, ở Ninh Thuận) đưa vào bệnh viện Nhi đồng 1 khám và điều trị nội trú.
Chị Quỳnh cho biết, rất mệt mỏi vì phải chữa bệnh cho con trong tình cảnh này. Hai vợ chồng thay nhau thức thâu đêm để chăm con. Không có chỗ ngả lưng, ăn uống chi phí ở TP đắt đỏ khiến cha mẹ tiều tụy theo con.
Theo bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1: "Chưa bao giờ bệnh viện phải tiếp nhận lượng bệnh nhi tăng đột biến cùng lúc cả ở khu khám bệnh lẫn nội trú và nhiều chuyên khoa như thế".
Phụ huynh cùng con nằm ở sân bệnh viện. Ảnh: Lê Quân.
Đầu tháng 9, bệnh viện khám cho khoảng 2.500 bé/ngày, nay tăng lên 6.500 ca, lượng bệnh nhi nội trú cũng vọt lên. Chỉ tiêu của bệnh viện chỉ có 1.400 giường, hiện phải tiếp nhận tới 2.100 bé (ngày thường dù đông cũng chỉ ở mức 1.600 - 1.700 ca).
"Hơn 10 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ thấy số bệnh nhi nội trú vượt trên 2.000 bé/ngày như thế", bác sĩ Minh nói. Trẻ em tới Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị tập trung chủ yếu bị sốt xuất huyết, tay chân miệng (65% ở tỉnh).
Trong tháng 9, bệnh viện này ghi nhận 400 bệnh nhi sốt xuất huyết (bình thường mỗi tuần chỉ 25-30 ca). Trong số 400 bé nói trên, 120 cháu bị rất nặng, 3 ca tử vong...
Theo các bác sĩ, tình trạng trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng còn tăng mạnh. Trong tháng 9, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho gần 900 bé. Bình thường mỗi tuần chỉ có 80-90 ca tay chân miệng nội trú, nay là 310 em.
Không chỉ tay chân miệng, sốt xuất huyết, các bệnh lý như hô hấp, sơ sinh tăng từ tháng 8 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Rất nhiều bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản, phổi.
Theo Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, do có chuẩn bị trước về nhân lực trang thiết bị, bệnh viện đã chủ động trang bị các giường chờ để đáp ứng cho bệnh nhi và người thân có chỗ nằm.
"Tình trạng quá tải phải chấp nhận do lượng bệnh nhân đổ về quá đông. Không chỉ riêng khoa Nhiễm mà các khoa khác cũng phải trực chiến hỗ trợ", ban giám đốc bệnh viện cho biết.
Các bệnh nhi và người nhà chen chúc trong phòng bệnh. Ảnh: Lê Quân.
Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng - Phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2, tình trạng sốt xuất huyết tăng cao gây quá tải cho tuyến trên. Đơn vị tiếp nhận 6.629 ca sốt xuất huyết, điều trị ngoại trú, và 2.832 ca nội trú từ đầu năm tới nay. Riêng trong tháng 9, số bệnh nhân nội trú là 882 và 2.525 ca điều trị ngoại trú về sốt xuất huyết. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các tỉnh đổ về quá đông, chiếm 50-60%. |