Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu con người bạn

 
Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các giá trị văn hóa gia đình, các quy tắc ứng xử và truyền lại những giá trị tốt đẹp ấy cho con cháu đời sau. Ảnh minh họa: Global Asia Blog
 
Sống chung hay sống riêng?
 
Hầu hết giới trẻ ngày nay không thích sống cùng cha mẹ. Họ chọn ở riêng để được độc lập và tự do. Một số ít không có điều kiện ở riêng nên đành phải sống chung với cha mẹ. Ngược lại, có những người hoàn toàn có thể ở riêng nhưng lại lựa chọn sống chung với cha mẹ. Tuy nhiên, sự khác biệt về thế hệ, suy nghĩ, thói quen sinh hoạt đã khiến cho nhiều gia đình đa thế hệ mâu thuẫn, bằng mặt chứ không bằng lòng, hoặc có khi là ghét nhau ra mặt; thậm chí, có không ít cặp vợ chồng ly hôn chỉ vì mẹ chồng nàng dâu không hợp nhau.
 
Trên thực tế, việc sống chung hay sống riêng phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình và là quyền lựa chọn của mỗi người. Nếu bạn cảm thấy sống chung cùng cha mẹ không thoải mái, không khí gia đình nặng nề thì không nhất thiết phải ép buộc mọi người cố duy trì mô hình đại gia đình truyền thống. Không phải con cái cứ sống cùng cha mẹ mới là người có lòng hiếu thuận, ngược lại, không phải cứ sống riêng nghĩa là bạn không yêu thương hay chăm sóc cha mẹ. Sống chung hay sống riêng không quan trọng bằng lối sống, cách đối xử của con cái dành cho cha mẹ. Nếu yêu thương cha mẹ thực lòng thì không thiếu gì cách để những người con có thể báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
 
Hãy gọi điện hoặc hỏi thăm cha mẹ mỗi ngày khi bạn còn có thể. Đừng để đến khi có việc mới gọi điện cho cha mẹ. Đừng hỏi cha mẹ có việc gì không mà gọi điện. Không phải cứ có việc người ta mới có thể hỏi thăm nhau, cha mẹ và con cái quan tâm, hỏi han nhau là lẽ thường tình.
 
Không ngắt lời cha mẹ cho dù họ có nói điều đó nhiều hơn một lần. Hãy kiên nhẫn lắng nghe cha mẹ, những điều cha mẹ nói đi nói lại nhiều lần hẳn là vì họ thấy nó vô cùng quan trọng và muốn con cái lưu tâm đặc biệt.
 
Không oán trách cha mẹ nếu họ không thể cho bạn một cuộc sống sung túc. Có những người sinh ra trong gia đình giàu có, được thuận lợi về nhiều mặt, nhưng cũng có người sinh ra trong gia đình nghèo khó, cha mẹ không có điều kiện giúp đỡ con cái. Cuộc sống thành đạt, hạnh phúc hay không không phải do cha mẹ bạn quyết định mà do chính bạn nỗ lực.
 
Đừng bao giờ coi cha mẹ là gánh nặng. Sinh lão bệnh tử, đó là những điều không ai có thể trách được. Cùng với thời gian, cha mẹ bạn sẽ ngày càng già yếu, thậm chí là bệnh tật, đừng bao giờ để cha mẹ cảm thấy họ là gánh nặng của con cái. Việc chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau, bệnh tật có thể sẽ khiến bạn mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng bạn có nhớ, những ngày ấu thơ, cha mẹ đã chăm sóc bạn bằng tất cả tình yêu thương và sự tận tụy?!

 
Chăm sóc người già là tình cảm, bổn phận và trách nhiệm của con cháu. Ảnh minh họa: Lifehack
 
Vai trò của người già đối với gia đình 
 
“70 còn phải học 71” – không phải tự dưng dân gian ta đúc kết nên điều đó. Đừng nghĩ rằng người già thì lỗi thời, lạc hậu, người già thì không giúp được gì. Ông bà là những người đã từng trải qua tất cả những mốc thời gian quan trọng của một đời người, vậy nên họ có rất nhiều kinh nghiệm sống để truyền lại cho con cháu. Truyền thống, nề nếp gia đình, kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm chăm sóc con cái, cách cư xử với bạn bè, đồng nghiệp, với hàng xóm láng giềng, cách để đối mặt với những khó khăn và thử thách… là những điều bạn có thể học tập từ những người cao tuổi. 
 
Tôi còn nhớ, một người bạn của mình đã suy sụp hoàn toàn khi công ty phá sản và bị các chủ nợ bủa vây. Người giang tay giúp đỡ bạn lúc ấy không phải là bạn bè hay đồng nghiệp, cũng không phải là người vợ tay ấp gối kề mà chính là cha mẹ bạn. Họ không giàu có để có thể cứu lấy công ty cho con, nhưng họ đã xoay sở các kiểu để bạn tôi không bị rơi vào vòng kiện tụng, lao lý. Họ luôn bên cạnh con, động viên, khích lệ, bao dung và đồng cảm. Khi bạn tôi không một xu dính túi, vợ bỏ, bạn bè xa lánh, tưởng chừng như hóa điên vì sự thất bại lẫn ê chề thì vẫn luôn có cha mẹ ở bên nhẫn nại yêu thương và che chở bạn. Nhờ đó mà bạn đã nhanh chóng vực lại tinh thần và quyết tâm làm lại từ đầu.
 
Và trong khi có không ít gia đình đổ vỡ chỉ vì cảnh sống chung với mẹ chồng thì ngược lại, cũng có không ít gia đình “gương vỡ lại lành” nhờ sự can thiệp kịp thời và đúng lúc của cha mẹ. Yêu thương con dâu như con đẻ, sẵn sàng bênh vực con dâu khi con trai cư xử không đúng mực tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích nhưng lại là chuyện thật giữa đời thường của không ít gia đình Việt. Khi bạn ở riêng, cha mẹ sẽ không can thiệp nhiều vào cuộc sống riêng tư của bạn, nhưng họ vẫn lặng lẽ dõi theo và sẵn sàng trợ giúp nếu các con cần.
 
Trên thực tế, những người cao tuổi có vai trò rất lớn trong việc xây dựng các giá trị văn hóa gia đình, các quy tắc ứng xử và truyền lại những giá trị tốt đẹp ấy cho con cháu đời sau. Đồng thời, họ là những người luôn đồng hành và sẵn lòng giúp đỡ để con cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bạn đối xử với cha mẹ bạn như thế nào, con cái bạn sau này sẽ đối xử với chính bạn như thế. Nhưng ở đâu đó, người ta vẫn thấy cảnh tượng con cái hỗn xược, đánh đập cha mẹ, thậm chí có người còn nhẫn tâm đuổi cha mẹ ra khỏi chính ngôi nhà họ đã đổ bao mồ hôi và công sức để dựng nên… Những chuyện ngang tai, trái mắt như thế không khỏi khiến người ta bàng hoàng và xót xa. Chẳng phải cha mẹ bạn ở thì hiện tại chính là tấm gương phản chiếu con người bạn ở thì tương lai đó sao?! Bạn đối xử tệ bạc với cha mẹ thì liệu con cái sẽ đối xử tốt đẹp với bạn, hay chúng cũng sẽ học theo cách ứng xử của bạn?!

Bình Yên/TC GĐ&TE