Đánh đập, hành hạ vật nuôi là vi phạm pháp luật
Sau Tết Nguyên đán, mạng xã hội xôn xao về clip hai đứa trẻ hành hạ một chú mèo nhỏ đến thoi thóp. Sau khi dẫm đạp nhiều lần, thấy con mèo không nhúc nhích, hai đứa trẻ tìm một thùng các tông để giấu con mèo vào đó… Ðáng chú ý là thái độ của phụ huynh hai đứa trẻ khi sự việc bị phơi bày. Thay vì cảm thấy có lỗi và dạy lại con mình cũng như tìm cách khắc phục hậu quả, họ cho rằng “Con nít có biết gì đâu”, “Có con mèo thôi làm quá”… Sự nhẫn tâm của hai đứa trẻ, sự thờ ơ vô trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ khiến cho cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ.
Trẻ nhỏ thực sự không biết hay chính cha mẹ mới là người không biết cách cư xử? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh câu chuyện này, và ở một phương diện nào đó, đây là bài học cho nhiều gia đình, khiến cho các bậc phụ huynh phải nhìn nhận lại: Chúng ta đã từng dạy trẻ phải biết yêu thương và bảo vệ vật nuôi chưa, chỉ yêu thương vật nuôi trong gia đình mình hay yêu thương cả những con vật nuôi khác và cách thể hiện tình yêu thương với chúng như thế nào cho phải?
Con người, dù là một đứa trẻ, tuyệt đối không nên lấy sự hành hạ vật nuôi làm thú vui tiêu khiển; trừ khi chó, mèo có ý định tấn công hoặc đe dọa, bạn cần phản kháng để bảo vệ bản thân. Ở nhiều quốc gia, ngược đãi động vật là phạm tội, có thể bị phạt tiền, đi tù hoặc cải tạo bắt buộc. Tại Việt Nam, Khoản 4 Ðiều 69, Luật Chăn nuôi quy định: Không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Còn theo Khoản 1 Ðiều 29 Nghị định 14/2021/NÐ-CP quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Ðây là quy định pháp luật nhưng nhiều người thậm chí còn chưa bao giờ nghe nói đến điều này.
Và người Việt Nam, đã đến lúc nên ngừng nói “Con nít có biết gì đâu”. Không chỉ trong chuyện đối xử với động vật, trong bất cứ vấn đề đối nhân xử thế nào khác, cha mẹ không nên có suy nghĩ “Con nít có biết gì đâu”, vì chính suy nghĩ đó của bạn khiến con trẻ mãi không trưởng thành. Nếu trẻ không biết, với tư cách là cha mẹ - bạn phải có trách nhiệm dạy cho trẻ biết. Khi trẻ làm sai, bạn cần chỉ cho trẻ thấy mình đã sai ở điểm nào và làm thế nào để khắc phục sai lầm đó, thay vì bao che cho trẻ hoặc coi đó là một việc tầm thường.
Xã hội hiện đại, chúng ta không những cần trang bị cho trẻ các kiến thức khoa học, những kỹ năng sống cơ bản mà còn phải giáo dục trẻ trở thành một người sống có trách nhiệm, trách nhiệm với mọi lời nói cũng như hành động của mình. Ðó là nền tảng để một đứa trẻ khôn lớn và trưởng thành.
Tại sao cần giáo dục trẻ biết yêu thương và bảo vệ vật nuôi?
Ở những nước tiên tiến, các tổ chức cứu hộ chó mèo, bảo vệ động vật thường có các sự kiện dành cho trẻ em, để dạy trẻ cách tương tác, chăm sóc động vật. Người ta quan niệm rằng, trẻ học được sự yêu thương thông qua hành động chăm sóc động vật nhỏ, từ đó hình thành khả năng đồng cảm, thấu hiểu và sống có trách nhiệm.
Các hãng phim tài liệu, hãng phim giải trí cũng xây dựng vô số các bộ phim về động vật, nhất là vật nuôi trong gia đình như chó, mèo, thỏ để dạy trẻ về cách đối xử, tình yêu thương, lòng trung thành, sự dũng cảm…
Nhiều bậc phụ huynh thích tặng một chú cún hay em mèo vào ngày sinh nhật của trẻ. Họ mong muốn thông qua việc nuôi nấng và chăm sóc thú cưng để rèn cho trẻ cách yêu thương và biết quan tâm đến những người xung quanh. Mặt khác, vật nuôi như một người bạn có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, việc dành thời gian ở bên thú cưng có thể giúp con người giảm nguy cơ tăng huyết áp, các hormone gây ra căng thẳng cũng như giải phóng các chất kích thích sự thư giãn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vuốt ve và nói chuyện với chó/ mèo có thể giúp giảm huyết áp và nhịp tim. Chỉ cần nhìn vào mắt con chó của bạn là đã có thể kích hoạt sự giải phóng oxytocin - một chất được ví như hoóc môn tình yêu – trong não bạn và chính thú cưng của bạn giúp cho cả chủ lẫn tớ đều cảm thấy yêu đời hơn.
Tuy nhiên, việc nuôi một con chó hay mèo là việc không hề đơn giản. Nếu gia đình bạn không đủ điều kiện thì đừng cố nuôi chúng vì bạn không có đủ thời gian dành cho thú cưng, chúng sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn, lạc lõng hoặc nếu bạn không thể chăm sóc chu đáo và cẩn thận, chúng có thể bị bệnh và chết, điều này thực sự vô cùng đáng tiếc.
Nếu gia đình bạn không có điều kiện phù hợp để nuôi thú cưng thì bạn có thể đưa trẻ đến các sở thú, thảo cầm viên, trung tâm bảo tồn động vật… để trẻ được tận mắt nhìn thấy các loài động vật; cho trẻ tìm hiểu về đặc điểm và bản tính của từng loại cũng như hỗ trợ các nhân viên cứu hộ hoặc tình nguyện viên chăm sóc động vật.
Và điều quan trọng hơn cả, để trẻ biết yêu thương, chăm sóc và bảo vệ vật nuôi trong gia đình cũng như xung quanh, cha mẹ cần phải là người làm gương. Nếu như ngày nào trẻ cũng thấy bạn đá vào sườn chú chó nhỏ thì rất có thể, chúng sẽ học theo hành động không tốt này của bạn. Mặt khác, bạn không nên dung túng cho các hành động ngược đãi động vật của trẻ, cần dạy cho trẻ hiểu rằng, các con thú cưng cũng biết đau và buồn, chúng cần được quan tâm, yêu thương và chăm sóc. Và khi nhận được sự yêu thương, chăm sóc, thú cưng sẽ hết mực tận tâm và trung thành với tình cảm ấy của trẻ.