Cha mẹ giỏi chắc gì đã tự dạy được con học?
Anh Nguyễn Trung Thành, từng suýt là thủ khoa Ðại học Xây dựng và thời sinh viên anh kèm cặp mấy đứa em họ ôn thi đại học thành công; ấy vậy mà đến hai đứa con của mình thì anh thực sự “bó tay”.
Anh Thành rất tự tin vì mình vẫn còn nhớ như in các kiến thức Toán, Lý, Hóa nên thỉnh thoảng các con (một bé năm nay thi vào lớp 10, một bé học lớp 6) hỏi bài, anh vẫn chỉ cho chúng. Nhưng càng lớn, bọn trẻ càng kiệm lời, chúng hầu như không còn vác sách vở sang hỏi bố; không phải vì các con anh học giỏi, làm hết được bài mà vì chúng không thích phải hỏi bố. Một lần kiểm tra kiến thức cô con gái lớp 9, anh tá hoảng khi con ú ớ, hỏi gì cũng nhớ nhớ quên quên. Sợ con không đỗ được trường cấp 3 gần nhà, anh sắp lịch dạy con môn Toán, một tuần 2 buổi. Sau 1 tháng gồng mình dạy con, cuối cùng anh chào thua, phải đăng ký gấp một lớp học thêm Toán cho con ôn luyện.
Anh Thành chia sẻ, dạy con học mệt mỏi gấp trăm lần làm việc với đối tác, bởi lẽ cha mẹ vừa phải xem lại kiến thức để cập nhật thông tin, vừa phải cố gắng nhẫn nại hết sức để giảng bài cho con hiểu. Khó nhất là làm thế nào để không đánh mắng trẻ trong khi chúng luôn làm cho bạn “phát điên”. Vốn là một ông bố hiền lành, chả mấy khi mắng mỏ con cái, nhưng cứ đến giờ anh Thành dạy con học là cả nhà khiếp sợ khi nghe anh gằn giọng quát con. Kể từ ngày bố dạy Toán, con gái anh luôn lo lắng, nhìn bố với ánh mắt khiếp sợ.
Không như anh Thành, chị Hồng Thu, một nhân viên truyền thông có hai bằng đại học và một bằng thạc sỹ quyết định không dạy con học ngay từ khi con bước vào cấp 1. Chị nói với con: Việc học là của con, việc kiếm tiền nuôi con ăn học là của mẹ. Con học giỏi thì ấm thân con chứ mẹ không học thay con được, mẹ cũng không có kỹ năng sư phạm để dạy con học. Con tự học là chính, nếu không biết thì hỏi thầy cô, bạn bè hoặc lên trên mạng tra Google.
Chị Thu từng chứng kiến nhiều gia đình tình cảm cha mẹ - con cái sứt mẻ chỉ vì thích tự dạy con học. Cha mẹ đi làm đã mệt mỏi lắm rồi, buổi tối lại còn dạy con học bài nữa thì làm gì có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Hơn nữa, không phải ai cũng có khả năng sư phạm để nói 1-2 lần trẻ hiểu ngay. Nhiều ông bố bà mẹ giảng giải cả chục lần trẻ vẫn không hiểu. Cha mẹ cáu gắt, con thì sợ, không khí gia đình nặng nề vô cùng.
Chị Thu phân tích, với giáo viên, dạy học là công việc chính, họ được trả lương để dạy học sinh mà nhiều lúc giảng bài học sinh còn không hiểu ngay, huống chi cha mẹ không có kỹ năng sư phạm. Theo chị Thu, tốt nhất cha mẹ cứ là cha mẹ, không nên tranh phần việc của giáo viên làm gì.
Bé Khánh Linh, một học sinh lớp 8 cho biết, con rất sợ mỗi lần bố hay mẹ dạy học. Bố thường mắng con, còn mẹ không nói nhiều mà thường cấu, véo, hoặc cầm sách quật vào người con. Rõ ràng, vẫn kiến thức đó, buổi chiều trên lớp cô hỏi, Linh trả lời được, nhưng khi nhìn mẹ vằn mắt lên hỏi, Linh sợ nên “đánh rơi” hết chữ. Một thời gian sau, bé Linh nhất quyết đòi mẹ tìm thầy cô kèm và đi học nhóm với mấy bạn cùng lớp.
Không tự dạy con học hàng ngày, cha mẹ có thể làm gì để giúp con học?
Ðây là câu hỏi đau đáu của nhiều bậc phụ huynh. Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình học hành giỏi giang, nếu không trực tiếp dạy con học hàng ngày, bạn vẫn có nhiều cách để giúp con vươn lên trong học tập.
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy khuyến khích con tự học, và dạy con cách học đúng. Ví dụ, trẻ nên học bài lúc mấy giờ, học trong bao lâu (theo từng độ tuổi), không biết thì có thể hỏi ai, làm thế nào để nhanh nhớ từ mới, các công thức…
Ngoài ra, bạn nên tạo một không gian thích hợp và thoải mái để trẻ hứng thú và tập trung học bài. Ví dụ, phòng học của con cần yên tĩnh, không bị ai làm ồn, không có thiết bị điện tử gây nhiễu, đủ ánh sáng, thoáng mát, sạch sẽ… Khi trẻ đang học bài, cha mẹ hạn chế sai trẻ làm việc vặt, hãy tạo điều kiện tốt nhất để trẻ có thể học hành tập trung.
Cha mẹ nên dạy trẻ cách lập thời gian biểu để trẻ bố trí sắp xếp lịch học các môn sao cho khoa học và cân đối so với thời gian vui chơi và giải trí, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
Khi trẻ không biết, cần hỏi ai đó, con không nhất thiết phải hỏi cha mẹ, trẻ có thể hỏi thầy cô và bạn bè. Trong trường hợp trẻ hỏi mà cha mẹ không biết đáp án, hãy cùng con tra cứu Google hoặc xem lại sách vở. Cha mẹ không phải là cuốn “Bách khoa toàn thư” nên chẳng có gì phải xấu hổ nếu con hỏi mà bạn không biết hoặc bất ngờ nên chưa thể nhớ ra.
Và một điều vô cùng quan trọng mà đôi khi nhiều bậc cha mẹ quên mất, đó là luôn khích lệ để tạo động lực cho con học tập. Ví dụ, khi con đạt điểm số cao hoặc có môn học đã nỗ lực cố gắng hơn so với học kỳ trước, cha mẹ có thể thưởng con một tiếng chơi game hoặc một món đồ chơi chẳng hạn…