Khoe giấy khen, bảng điểm của con - lợi ít hại nhiều!
Làm cha mẹ ai mà chẳng vui khi con học giỏi. Với đại đa số người Việt Nam, đã vui là phải khoe cho cả làng, cả tổng biết. Nhưng bạn có biết, khoe giấy khen hay bảng điểm mà chưa hỏi ý kiến con là vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Bạn có hỏi con trước khi đăng tải những thông tin thuộc về con không? Con có thích việc bạn tiết lộ thông tin của chúng trên mạng xã hội? Hơn nữa, việc đăng giấy khen hay bảng điểm sẽ tiết lộ tên tuổi của trẻ, trẻ học lớp nào, trường nào, ở quận/ huyện nào, điều này có thể khiến cho thông tin và hình ảnh của trẻ bị kẻ xấu lợi dụng. Mặt khác, với một số trẻ, việc được cha mẹ tung hô, khen ngợi quá mức có thể khiến cho trẻ sinh tự mãn, tưởng rằng mình đã giỏi rồi không cần phải cố gắng nữa. Ngược lại, có những trẻ lại cảm thấy vô cùng áp lực trước những câu cảm thán của cha mẹ, nào “Cảm ơn con vì đã không làm bố mẹ thất vọng!” hay “Niềm tự hào của bố mẹ!”, “Con mẹ thật là giỏi giang!”... Những câu nói này có thể là lời ghi nhận sự cố gắng của trẻ, đồng thời động viên, khích lệ trẻ; nhưng cũng có thể trở thành gánh nặng đối với trẻ, vì chúng sẽ luôn phải cố gắng đạt điểm số cao hơn nữa để làm cha mẹ hài lòng.
Bé T.L học lớp 7 cho biết, mình cảm thấy vô cùng xấu hổ khi mẹ đăng ảnh bảng điểm lên Facebook vì điểm kiểm tra học kỳ 2 môn Anh cậu được bạn bên cạnh nhắc mấy câu liền, nhờ đó mới được 9 điểm. Tất nhiên, bố mẹ không biết điều đó, nhưng cậu biết, và nhiều bạn trong phòng thi biết vì các bạn ấy cũng có tài khoản xã hội và hẳn đang cười sau lưng cậu.
K.L học lớp 9 chia sẻ cảm thấy vô cùng áp lực trước câu nói ngọt ngào của mẹ: “Cảm ơn con vì đã không làm bố mẹ thất vọng!”, vì điều này đồng nghĩa với việc em không được phép tụt hạng, bởi nếu em tụt hạng, chắc chắn cha mẹ sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Nhưng K.L cũng thẳng thắn chia sẻ, sức học của em so với các bạn trong lớp chưa là gì, nên khi mẹ khoe giấy khen và bảng điểm, em cảm thấy có chút ngượng với những bạn học giỏi hơn mình.
Niềm vui của người này có khi lại là nỗi buồn của người khác
Biết là khoe giấy khen, bảng điểm của con, lợi ít hại nhiều nhưng cứ “đến hẹn lại lên”, người người khoe, nhà nhà khoe, trong đó có không ít người có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Dường như rất khó để các bậc cha mẹ có thể kìm hãm niềm vui sướng và tự hào khi con học hành giỏi giang. Nhưng đôi khi, niềm vui của bạn lại là nỗi buồn của ai đó.
Ðâu phải tất thảy trẻ em đều đạt điểm 9, điểm 10. Có những em chỉ đạt 5, 6, 7 điểm, thậm chí có em còn có điểm dưới trung bình. Những em đó có thể là con đồng nghiệp, con nhà hàng xóm, con người quen... của bạn. Tâm lý thích so sánh con mình với con nhà người ta sẽ khiến những bậc phụ huynh con học chưa giỏi cảm thấy vô cùng áp lực, thậm chí là xấu hổ. Và vô tình họ có thể trút những áp lực ấy lên con mình. Sau buổi họp phụ huynh cuối năm, có những gia đình là một bầu không khí ngập tràn hạnh phúc, tự hào, nhưng cũng có những gia đình là một bầu không khí ảm đạm, nhiều đứa trẻ bị mắng mỏ, chì chiết, thậm chí là ăn đòn khi kết quả học tập chưa tốt.
Ðiểm số không phải là tất cả, điểm số cũng không quyết định sau này đứa trẻ có trở nên thành đạt, giàu có hay hạnh phúc, nhưng đa phần các bậc cha mẹ vẫn chăm chăm nhìn vào điểm số và cư xử với trẻ theo kết quả học tập mà chúng đạt được. Ðây là một sai lầm!
Điều trẻ cần là sự nghi nhận và lời động viên đúng lúc
Nhiều bậc phụ huynh cho biết, họ không thể không khoe giấy khen và bảng điểm của con được vì họ thấy con mình học giỏi thực sự và họ cảm thấy vô cùng tự hào về điều đó.
Có phụ huynh thì nói thẳng rằng họ khoe giấy khen và bảng điểm vì con họ học giỏi hơn đứt con nhà hàng xóm nên nhất định phải khoe để cho hàng xóm phải nhìn mình với ánh mắt khác.
Có người còn nói như vỗ vào mặt người khác: “Con tôi giỏi thì tôi khoe thôi, ai mà chả thế. Người ta không khoe thành tích học tập của con là vì con người ta không giỏi chứ chả phải khiêm tốn hay sợ tiết lộ thông tin cá nhân của con gì đâu!”.
Ðúng là không ai cấm bạn khoe giấy khen hay bảng điểm của con vì đó là quyền của bạn, nhưng nếu cha mẹ khoe mà chưa hỏi ý kiến con thì đó là vi phạm quyền riêng tư của trẻ. Và không phải đứa trẻ nào cũng thích trở thành người của công chúng. Ðôi khi, trẻ chỉ cần một lời động viên, khích lệ nhẹ nhàng của cha mẹ đúng chỗ và đúng thời điểm.
Cha mẹ thích khoe khoang nhưng lại muốn con trở thành một người sống khiêm tốn, điều này thật vô lý. Vậy nên, làm cha mẹ, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định đăng tải giấy khen hay bảng điểm của con lên mạng xã hội. Nếu vui quá, bạn có thể viết bài chia sẻ con đã nỗ lực hết sức và đạt học sinh xuất sắc trong năm học qua mà không nhất thiết phải đăng ảnh giấy khen và bảng điểm.
Ghi nhận sự nỗ lực trong học tập của trẻ thì cách tốt nhất vẫn là cha mẹ nên nói trực tiếp với trẻ chứ không cần phải nói với con qua mạng xã hội. Cách người lớn tương tác trên mạng xã hội sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới cách trẻ sử dụng và khai thác Internet cũng như mạng xã hội. Cha mẹ nên là người định hướng trẻ sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn và văn minh.