Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cha mẹ làm gì với những đứa trẻ hay nói dối?

Khi phát hiện trẻ nói dối, không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng vì điều này có thể hình thành thói quen xấu ở trẻ. Nếu cha mẹ không có phương pháp chỉ bảo cho ngay từ khi con còn nhỏ thì thói quen nói dối sẽ khiến trẻ phát triển lệch lạc, phạm phải nhiều sai lầm khi trưởng thành. Phụ huynh nên làm thế nào khi trẻ nói dối? Phương pháp nào có thể điều chỉnh hành vi này của trẻ là phù hợp?

Phụ huynh phải dạy cho con bài học trung thực và luôn làm gương cho con. Ảnh minh họa.

Phụ huynh phải dạy cho con bài học trung thực và luôn làm gương cho con. Ảnh minh họa.

Vì sao trẻ nói dối?

Trẻ con không biết nói dối là cách người lớn thường nói với nhau. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong quá trình trưởng thành, chắc chắn sẽ có những lúc trẻ nói dối cha mẹ. Nói dối là hành vi tất yếu trong quá trình phát triển tâm lý của con người. Trẻ mới 2-3 tuổi đã bắt đầu biết nói dối. Nhưng lời nói dối của trẻ ở giai đoạn này là vô thức, vì trẻ chưa nhận thức được đúng - sai, chỉ là trò nói dối đơn giản và vô hại. Từ 3-5 tuổi, trẻ đã bắt đầu luyên thuyên về câu chuyện mình tưởng tượng ra. Hoặc trẻ có thế chối bỏ những điều mình gây ra để tránh bị phạt. Từ 6 tuổi trở đi, trẻ có thể chưa nhận thức được đúng - sai, nhưng đã nhận thức được việc nói dối. Trẻ nói dối để tránh bị mắng, bị phạt và có thể là bao che giúp anh chị em, bạn bè. Nếu trẻ nào có thói quen nói dối, chắc chắn là do môi trường sống của em có vấn đề. Vì vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần có cách dạy trẻ không nói dối phù hợp với từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ. Hãy luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực, đồng thời giúp trẻ hiểu sự khác biệt giữa sự thật và giả dối.

Phụ huynh có thể phát hiện trẻ nói thật hay nói dối qua một số biểu hiện như: khi trẻ nói thật thì mắt nhìn thẳng vào bố mẹ, ánh mắt không có sự ngại ngùng; trẻ nói to, diễn đạt đủ ý của mình muốn nói, thể hiện tính nhất quán trong lời nói, người đứng thẳng, miệng cười tự tin. Nhưng khi trẻ nói dối thì tránh ánh mắt của bố mẹ, hay nhìn xuống đất; nói lung tung, ngập ngừng, hơi nhỏ và nói lắp; có các hành động, cử chỉ khác thường như bấm tay, các động tác tay chân không được linh hoạt…

Theo TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nói dối tạm chia thành 3 loại: Thông tin nói dối có nhiều điểm có lợi cho người nói; Nói giảm nói tránh để người nghe đỡ bị tổn thương; Sử dụng thông tin sai để bao biện cho lỗi lầm của chính mình. Nhiều khi, trẻ nói dối nhưng hoàn toàn không nhận thức được mình đang nói dối, lý do bởi trẻ thường tự xây dựng cho mình một thế giới tưởng tượng. Trong thế giới đó, đôi khi trẻ là công chúa, hoặc siêu nhân. Vì thế, nhiều khi con thốt ra một câu nói dối rất tự nhiên vì lúc đó con đang ở trong thế giới tưởng tượng của mình chứ không phải ngoài đời thực. Khi bị cha mẹ chất vấn về tội lỗi gây ra, con luống cuống nên nghĩ ngay ra cái gì đó để bao biện cho chính mình. Ðây chính là hành động tự vệ. Hay con nghe bố mẹ, người xung quanh nói dối và con học theo. Hoặc trẻ nhỏ bắt chước rất nhiều nên việc học theo người lớn mà nói dối cũng không phải chuyện hiếm.

Vì thế, để tránh tình trạng con nói dối, cha mẹ cần: Tránh tuyệt đối việc nói dối. Nếu có trường hợp cần nói giảm nói tránh, cha mẹ nên nói khi không có mặt con ở đó. Tốt nhất là hạn chế tối đa việc phát ngôn những thông tin không đúng sự thật. Tốt nhất, cha mẹ chuyển hướng sang cách trả lời: “Tôi rất tiếc là không thể cho bạn biết thông tin”, “Xin phép bạn cho tôi giữ điều này cho riêng mình”, “Thông tin đó tôi không muốn chia sẻ”… Khi đó, trẻ sẽ hiểu là nếu buộc phải nói dối, tốt nhất tuyên bố thẳng là sẽ không phát ngôn. Như vậy lời nói của chúng ta là thật chứ không hề dối chút nào. Tuyệt đối tránh mắng con ầm ĩ, chất vấn con những câu như: "Tại sao con lại làm như thế?"… Nếu con đã làm điều gì đó không ổn, cha mẹ nên nói luôn vào hậu quả và theo quy định trước đó để xử phạt. Cha mẹ không chất vấn con thì con sẽ tránh được việc phải bao biện cho hành động của mình và con sẽ không phải nói ra những câu nói không có thật.

Đôi khi trẻ nói dối để là bao che giúp người thân của mình. Ảnh minh họa

Đôi khi trẻ nói dối để là bao che giúp người thân của mình. Ảnh minh họa

Khuyến khích trẻ nói ra sự thật

Nếu con đã nói dối, cha mẹ cần cư xử ra sao? TS Vũ Thu Hương tư vấn, trước tiên, cha mẹ hãy ngừng cuộc nói chuyện lại và suy tính kĩ rồi hãy phản ứng. Việc chúng ta lập tức quát mắng con, chất vấn con sẽ làm trẻ hoảng sợ và lần sau còn nói dối nhiều hơn. Khi thật bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm ra được cách xử sự đúng đắn nhất. Ngoài ra, cha mẹ nên công bố ngay lập tức cho con thông tin chính xác để con biết rằng con không thể lừa dối cha mẹ được. Bất kể sự thật nào của con thì cha mẹ cũng biết. Khi con nói dối, thay vì quát mắng, cha mẹ hãy tỏ ý buồn, bị tổn thương, con sẽ cảm nhận được điều đó và con sẽ tự thấy ân hận vì đã làm cho bố mẹ buồn. Một câu nói: "Con nói dối làm bố rất buồn" sẽ có tác dụng tốt hơn hẳn là câu quát "Tại sao con lại nói dối như vậy?". Phụ huynh đừng trầm trọng hóa vấn đề. Quan trọng là cha mẹ cần làm sao để giảm bớt tình trạng con nói dối, để không tạo thành tính cách xấu sau này.

Ðể con có thể thừa nhận lỗi lầm mà mình gây ra và không tiếp tục nói dối, cha mẹ chỉ nên trách mắng ở mức độ nhẹ nhàng. Ðồng thời khuyên răn và khuyến khích con thú nhận sự việc và không dọa nạt con. Trẻ có thói quen chối tội khi sợ bố mẹ mắng hoặc đánh. Vì vậy, đừng buộc tội con mà hãy khuyên giảng từ từ. Cùng với đó, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ khoanh tay và đứng yên trong góc nhà khoảng 15 phút để tự nhìn nhận lỗi lầm; hoặc dừng không xem tivi 1 ngày. Tuy nhiên, hình phạt cần đi kèm thêm lời giải thích cụ thể, rõ ràng để con hiểu tại sao cha mẹ bắt con làm vậy. Biện pháp này sẽ hình thành cho con thói quen chịu trách nhiệm trước những lỗi lầm mà mình gây ra, và giúp bé khắc sâu vào suy nghĩ về việc sẽ không nói dối nữa.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần phân tích cho con hiểu bản chất vấn đề, nội dung cần hướng đến sự chân thật quan trọng như thế nào, nói dối là thói quen xấu ra sao, bị mọi người xa lánh thế nào… để trẻ hiểu và có cách suy nghĩ, cách nhìn nhận đúng hơn. Cha mẹ tránh việc gây áp lực lên con. Thói quen của nhiều bậc phụ huynh là nhắc lại lỗi lầm của con vào những thời điểm không thích hợp. Ðiều đó khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, giống như bị chỉ trích và tiếp tục nói dối trong lần tiếp theo. Bố mẹ cần lưu ý điểm này và tạm “quên” đi việc nói dối đó. Nếu có, hãy chỉ nhắc lỗi lầm của con ít nhất 1 lần. Cha mẹ cần thể hiện sự tin tưởng, rằng bé sẽ không mắc lỗi lại nữa và quan tâm, yêu thương bé như bình thường, nếu không các bé sẽ thấy mặc cảm và sợ hãi.

Ai cũng từng nói dối, vì vậy chúng ta đừng quá kì vọng vào việc trẻ không nói dối. Quan trọng nhất là cha mẹ dạy cho trẻ bài học trung thực và phải luôn làm gương.