Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng,15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.
Để trẻ an toàn trong môi trường nước, chính các bậc cha mẹ phải là người đầu tiên được trang bị các kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Bạn cần đảm bảo sức khỏe cho con em mình khi tham gia các hoạt động bơi lội. Bơi lội rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, bơi lội giúp trẻ phát triển chiều cao và có một cơ thể cân đối, dẻo dai, phòng tránh béo phì. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi. Những em mắc bệnh hô hấp mạn tính như: viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang; đang bị mắc các bệnh về hô hấp như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm họng cấp…; hoặc bị viêm da dị ứng thì không nên xuống nước vì có thể làm cho bệnh nghiêm trọng hơn.
Để phòng, chống đuối nước cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ đi học bơi hoặc nếu bạn biết bơi thì có thể tham khảo thêm các tài liệu về bơi và an toàn trong môi trường nước để dạy con.
Lưu ý, trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho trẻ nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, làm gì khi bị chuột rút hay gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi…
Hiện nay, các bể bơi thường chỉ cung cấp cho trẻ các khóa học bơi căn bản, nghĩa là mới chỉ dừng ở mức dạy cho trẻ biết bơi trong cự ly ngắn và biết được một số kỹ thuật bơi, nổi, lặn đơn giản. Nếu muốn trẻ bơi thành thạo và không tái mù bơi, bạn cần cho con học các khóa bơi nâng cao với huấn luyện viên chuyên nghiệp hoặc cho con bơi mỗi ngày như một hoạt động thể thao thường xuyên.
Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần cảnh báo cho trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như: ao, hồ, sông, suối, các vùng nước sâu, hố ga, hố công trình...
Nhà có trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần đậy kín bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước bằng các vật liệu cứng, an toàn với trẻ. Nếu không cần trữ nước, hãy đổ sạch nước trong xô/chậu và úp ngược lại sau khi sử dụng. Các rào chắn xung quanh giếng hoặc bể nước ngầm phải chắc chắn và đủ cao để ngăn trẻ em rơi xuống.
Khi trẻ tới bể bơi, nếu là trẻ nhỏ, bạn nên đi cùng và để mắt tới trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cho trẻ bơi đúng khu vực bơi dành cho độ tuổi của trẻ, không để trẻ đi sang khu vực bể bơi dành cho người lớn hay các vận động viên chuyên nghiệp. Nếu trẻ đã lớn, dặn trẻ chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
Khi trẻ đi tắm ở biển hay sông, dù trẻ bơi giỏi đến mấy cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì sóng biển có thể đẩy trẻ ra xa và bị đuối sức. Không nên để trẻ nằm trên phao khi tắm biển vì nếu không để ý trẻ có thể bị cuốn ra xa mà không biết, trẻ và phao có thể bị sóng đánh úp, gặp nguy hiểm.
Cần nhắc trẻ chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như ngồi đúng nơi quy đinh, mặc áo phao.