Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cha mẹ phải làm gì để phòng ngừa thừa cân, béo phì ở trẻ em?

Thừa cân, béo phì gây ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ em. Để phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì cho con, cha mẹ phải làm gì?

Tác hại khôn lường của thừa cân, béo phì

Trẻ thừa cân, béo phì chủ yếu do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Khi khẩu phần ăn vượt quá nhu cầu năng lượng cần của cơ thể, năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ tích lũy trong các cơ quan.

Tình trạng thừa cân, béo phì kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể diễn tiến thành bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm trong một quãng thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém. Theo các chuyên gia y tế, thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, hệ tim mạch, tiêu hóa, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khi trưởng thành. Bên cạnh đó, béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ, nhất là các bé gái.

Béo phì không chỉ tác động xấu đến sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa

Béo phì không chỉ tác động xấu đến sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa

Thừa cân, béo phì không chỉ tác động xấu đến sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trẻ dễ tự ti do bị bạn bè trêu chọc, chế giễu về ngoại hình, dẫn đến chán chường, ngại giao tiếp, học hành sa sút. Thậm chí, một số trẻ còn bị stress, trầm cảm dẫn đến cách hành vi tiêu cực.

Phòng ngừa thừa cân, béo phì ở trẻ em

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hai cách tiếp cận chính trong phòng chống thừa cân, béo phì là phòng ngừa tăng cân và thúc đẩy giảm cân. Phòng chống thừa cân, béo phì thực hiện theo các nguyên tắc: tập trung làm giảm các yếu tố môi trường đang tạo thuận lợi cho thừa cân, béo phì; làm giảm các yếu tố nguy cơ tác động đến các cá nhân hay nhóm có nguy cơ; đồng thời quản lý từng trường hợp cho các đối tượng đã bị thừa cân, béo phì.

Việc phòng ngừa để người có cân nặng bình thường không bị thừa cân, béo phì là vấn đề quan tâm chính của y học dự phòng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên phối hợp phòng chống thừa cân, béo phì trong chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm của quốc gia.

Đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì thì cần thực hiện những khuyến nghị sau: Duy trì cân nặng hợp lý; Hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa; Hạn chế ăn đường và muối; Tăng cường ăn rau và trái cây; Thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 150 phút/tuần đối với người trưởng thành.

Khẩu phần ăn hợp lý giúp trẻ phòng ngừa thừa cân, béo phì.

Khẩu phần ăn hợp lý giúp trẻ phòng ngừa thừa cân, béo phì.

Đối với các bậc cha mẹ, để phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần phải đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng. Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ chỉ cần tăng từ 9-12kg, trong đó 3 tháng đầu tăng 1-2kg; 3 tháng giữa tăng 3-4kg; 3 tháng cuối tăng 5-6kg. Thai nhi khi sinh ra nặng khoảng 3kg là đạt yêu cầu.

Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú cho đến khi được 24 tháng tuổi cũng là một yếu tố giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em. Theo các chuyên gia y tế, nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ thì nguy cơ thừa cân sẽ cao hơn 2,8 lần so với trẻ được bú sữa mẹ.

Khi trẻ tròn 6 tháng, hãy cho bé ăn dặm, với khẩu phần ăn cân đối, bao gồm 4 nhóm thực phẩm: Nhóm tinh bột có nhiều trong bột gạo, bột khoai lang, bột khoai tây…; Nhóm chất đạm trong thịt lợn, bò, gà, cá, trứng gà…; Nhóm chất béo trong dầu thực vật, hạt ngũ cốc, mỡ động vật…; Nhóm các vitamin, khoáng chất và chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây…

Khi trẻ bắt đầu ăn cơm cùng các thành viên trong gia đình, cha mẹ cần lưu ý khi chế biến các món ăn, hạn chế các món rán, chiên, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho. Nhắc trẻ nhai kỹ và ăn chậm, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói. Tập cho trẻ ăn rau xanh từ nhỏ, ăn các loại trái cây ít ngọt. Nên cho trẻ ăn no bữa sáng để tránh ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối. Nên cho trẻ uống sữa không đường, nếu trẻ đã dậy thì và có dấu hiệu thừa cân thì nên uống sữa tách bơ. Không cho trẻ uống sữa đặc có đường. Hạn chế ăn thức ăn nhanh, bánh kẹo, đường mật, kem bơ. Không cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga.

Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày.

Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày.

Tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Trẻ dưới 6 tuổi nên ngủ trước 21h, các lứa tuổi khác ngủ trước 22h. Khuyến khích trẻ vui chơi ngoài chơi, làm một số công việc nhà phù hợp với độ tuổi, tập luyện thể thao mỗi ngày 30 - 60 phút vì các hoạt động thể lực là yếu tố quan trọng giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển chiều cao, cơ bắp cũng như phòng ngừa thừa cân, béo phì.

Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia.