Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cha mẹ trang bị kiến thức giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại

Truyền thông phải bắt đầu từ việc giáo dục từ cha mẹ
 
Phòng chống xâm hại trẻ em cần có sự giáo dục từ chính bố mẹ. Bố mẹ phải có kỹ năng trong giáo dục con cũng như lưu giữ bằng chứng khi có chuyện không hay xảy ra với con. Có thể nói rằng, truyền thông phải bắt đầu từ việc tư vấn cho cha mẹ. Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần trang bị kiến thức giúp trẻ phòng tránh xâm hại, sự nhạy cảm về giới để hướng dẫn con biết cách phòng tránh loại tội phạm này. 
 
Qua nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả. Đáng nói, sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không kể hoặc không dám kể về những gì đã xảy ra với chúng. Đôi khi, việc xâm hại này diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” (cho quà, bao ăn uống…) nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.
 
Theo trung tá Khổng Ngọc Oanh (Bộ Công an): Trẻ em có thể gặp phải nguy cơ bị xâm hại tình dục ở bất cứ đâu, trên sân chơi, ở trường học hay thậm chí ở trong chính ngôi nhà của mình. Các đối tượng xấu thường lạm dụng những trẻ em sống trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn về tình cảm, thiếu sự chăm sóc, quản lý của người lớn như bố mẹ ly hôn, ly thân, đi làm ăn xa, cũng như lợi dụng sự ngây thơ của trẻ để thừa cơ tiếp cận dụ dỗ, lừa gạt nhằm xâm hại tình dục. 


Cha mẹ luôn gần gũi, thường xuyên tâm sự với trẻ về những hoạt động hàng ngày của con. Ảnh minh họa
 
Cũng theo trung tá Khổng Ngọc Oanh, đa phần các em học sinh còn non nớt về kiến thức hoặc tò mò về cơ thể, chủ động cho kẻ xấu thực hiện những hành vi quan hệ. Nhiều em đã tò mò khi lên mạng đọc và xem những phim không lành mạnh, dễ dàng bị đối tượng lợi dụng. Đối tượng còn lạm dụng sự dễ dãi, ham chơi, đua đòi của một số học sinh. Ví dụ như các em học sinh lười học, thích đi chơi, đi du lịch, đi mua sắm, đi hát karaoke…, bọn chúng sẽ rủ rê đi mua quà tặng, đi hát, thể hiện sự ga lăng, chiều chuộng và sau đó thực hiện hành vi tấn công tình dục. Các đối tượng lợi dụng trạng thái khủng hoảng tâm lý và tinh thần của trẻ em để dụ dỗ đi đến những nơi vắng vẻ. Khi các em đang khủng hoảng tinh thần với nhiều nguyên nhân như bố mẹ mắng, thầy cô quở trách, điểm kém, áp lực từ bạn bè trên lớp, đang bức xúc, tổn thương cần sự giãi bày… sẽ rất dễ bị dụ dỗ để đi theo đối tượng. Nhiều phụ huynh gọi đến cơ quan công an vì con “mất tích”, nhưng khi điều tra thì nhiều em bỏ nhà đi. Bỏ nhà đi, trẻ rất dễ rơi vào cạm bẫy của các đối tượng.
 
Dạy trẻ lên tiếng khi bị xâm hại
 
Trẻ em thường ngại khi từ chối người khác, đặc biệt là bạn hơn tuổi hoặc người lớn vì sợ hay e ngại bị ghét, bị cô lập và dễ hoảng sợ khi bị dọa nạt… Cần phải dạy trẻ những kỹ năng từ chối người khác, kỹ năng thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Ở nhà, cha mẹ có thể dạy con bằng cách đưa ra các tình huống và hỏi con sẽ xử lý thế nào nếu gặp phải, hướng dẫn con cách xử lý tốt nhất, hướng dẫn con cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
 
Trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai, nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Cha mẹ hãy nói với trẻ rằng, con sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối gì khi nói chuyện với cha mẹ, và bạn hãy làm theo lời hứa này, tránh trừng phạt vì những điều con lên tiếng. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. 
 
Cha mẹ luôn gần gũi, thường xuyên tâm sự với trẻ về những hoạt động hàng ngày của con. Cần tạo thói quen giúp trẻ có thể thoải mái chia sẻ bất kỳ chủ đề nào với cha mẹ. Nếu nhận thấy hành vi không được chấp nhận hoặc hành vi đáng ngờ qua lời kể của trẻ, cha mẹ có trách nhiệm phải xử lý các hành vi đó.


Tại hội thảo kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em.

 Cha mẹ cần cho trẻ biết rằng, nguy hiểm có thể đến từ bất kỳ đâu: hàng xóm, người thân… Người Việt thường có thói quen cấu, véo hay sờ những vùng nhạy cảm của trẻ và cho rằng đó chỉ là một hành động bình thường, thể hiện tình yêu thương. Tuy nhiên, đó là một dạng xâm hại trẻ em và có thể khiến trẻ tưởng lầm đó là cách thể hiện tình yêu thương mà không nhận ra sự nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát ngay những hàng động đó và dặn con thông báo nếu có bất kỳ ai thực hiện động chạm như vậy.

Khi nghe trẻ kể về sự việc có dấu hiệu lạm dụng tình dục, phụ huynh không nên vội mắng át mà cần phải thận trọng lắng nghe, cân nhắc, xem xét, nếu không sẽ tạo ra cho trẻ tâm lý sợ sệt, không dám nói. Cha mẹ cần an ủi, động viên và tránh khơi lại nỗi đau mất mát của trẻ. Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ con và giúp con phát huy tối đa các phẩm chất. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng là công việc mà các bậc phụ huynh phải làm.
 
Với trẻ, cần giúp đỡ các em rèn luyện đạo đức bản thân, học tập để có hiểu biết nhất định về tâm sinh lý cũng như vấn đề xâm hại tình dục để có thể tự phòng tránh; Tránh xa các tệ nạn xã hội, cám dỗ, không được đua đòi; Có lối sống lành mạnh, tích cực, có mục tiêu lý tưởng rõ ràng và cố gắng thực hiện; Biết lên án, phê phán và đấu tranh trước những biểu hiện, hành động xâm hại tình dục.
 Qua nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả. Đáng nói, sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với chúng.
 

Sơn Thành/GĐTE