Sự việc cậu bé 3 tuổi này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ mất an toàn với trẻ từ việc tận dụng các chai lọ bỏ đi để đựng các chất nguy hiểm.
Là công nhân chế biến thủy sản, mẹ cậu bé thường mang thuốc tẩy về nhà sử dụng. Lần gần nhất, thuốc tẩy được đựng trong chai nước trà xanh. Bà ngoại của bé cứ nghĩ đây là nước ngọt nên đem cất vào tủ lạnh, rồi cho cháu uống. Dù cậu bé phun ra ngay nhưng chỉ khoảng sau 10 phút đã không thể cứu chữa được nữa.
Hồi tháng 6, một bé gái 4 tuổi ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do uống nhầm phải dầu máy đựng trong chai nước.
Trường hợp cậu bé Võ Văn Toàn (ở TP Đồng Hới, Quảng Bình) cũng vô cùng đáng thương vì sơ ý của người lớn. Gần hai năm qua, cậu bé đang phải chịu di chứng từ lần uống phải axit đựng trong chai nước ngọt, từ đống ve chai mẹ đi nhặt hàng ngày về. Hóa chất khiến thực quản cậu bé 5 tuổi hư hại, teo lại như đầu ống hút, trong khi đó ruột già lại to nên không thể nối trực tiếp vào được. Cậu bé đã phải thực hiện nhiều phẫu thuật, trong đó có những phẫu thuật lớn như cắt bỏ hết đoạn thực quản nối từ cổ xuống dạ dày, cắt 25 cm ruột già để đưa ra làm ống tiêu hóa...
Trước đó, cuối năm 2014, một cậu bé ở Đồng Hới cũng bị ngộ độc nặng do mẹ em đựng dầu tràm vào chai siro ho. Ông bà ở nhà không biết lại mang ra trị ho cho cháu. Rất may cậu bé được cấp cứu kịp thời.
Các chai lọ có màu sắc bắt mắt, chai nước uống đựng chất nguy hiểm dễ khiến trẻ nhầm lẫn lấy uống. Ảnh minh họa. |
Theo ông Nguyễn Cao Cường, chuyên gia tư vấn an toàn của Trung tâm Khoa học Kỹ thuật an toàn Việt Nam Visatech, người Việt Nam có thói quen tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, nước uống để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axít, thuốc trừ sâu, cồn… Điều này rất nguy hiểm cho trẻ. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, thấy những chai nhựa bình thường đựng nước có thể cầm uống mà không ý thức được bên trong chai chứa dung dịch gì.
Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.898 người bị ngộ độc, 10 trường hợp tử vong, trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em.
Ông Cường cảnh báo, các hóa chất nguy hại ở trên hay bất kỳ hóa chất nào cũng cần phải lưu giữ xa tầm với của trẻ, để xa khu vực trẻ thường vui chơi qua lại, nơi sinh hoạt của gia đình. Bên ngoài vỏ nên có ghi rõ các chất loại gì, không tự ý thay đổi tem, nhãn của các hóa chất do nhà sản xuất dán sẵn.
Vỏ các đồ uống như nước ngọt, nước uống có gas, nước uống đóng chai… rất hấp dẫn trẻ. Vì vậy, không nên tái sử dụng nguyên các vỏ chai để đựng hóa chất nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Nếu tái sử dụng, nên bóc vỏ, tem, nhãn và dán thay vào đó là hình ảnh cảnh báo nguy hiểm (ghi rõ chất độc, nguy hiểm và kèm theo hình đầu lâu xương chéo), và bên ngoài chai nên ghi rõ chất gì bên trong.
Tuyệt đối không để hóa chất trong tủ lạnh với bất kỳ lý do gì.
Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn, người dân phải biết xử lý đúng cách.
- Uống nhầm dung dịch ăn mòn như xăng, dầu, axit, chất tẩy rửa:
Đây là các chất có tính ăn mòn mạnh vì vậy tuyệt đối không được gây nôn.Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.
- Uống nhầm thuốc tây y:
Giữ nạn nhân ngồi hoặc đứng để chất trong dạ dày không trào lên thực quản, tuyệt đối không để nằm. Nếu nạn nhân còn tỉnh thì nhanh chóng tiến hành móc họng gây nôn, đồng thời cho uống nhiều nước ấm rồi gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Trong trường hợp nạn nhân đã bị hôn mê, co giật thì không gây nôn. Sau những bước sơ cứu thì phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Lưu ý mang theo vỏ thuốc, hộp chứa các dung dịch uống phải để các bác sĩ có phương án giải độc hiệu quả và sớm nhất.