Chương trình có sự tham gia của hai diễn giả gồm: (1) Bác sĩ CKII Bùi Tiến Hùng - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Thiên Thanh; (2) Bác sĩ CKII Trần Như Thảo - Trưởng khoa Nhãn Nhi, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Dẫn dắt chương trình là Bác sĩ ThS. BSNT. Nhi khoa Nguyễn Thị Ngọc Nga - Trường Đại học Y Hà Nội.
Tầm quan trọng của việc ngăn ngừa tiến triển cận thị
Mở đầu chương trình, bác sĩ CKII Bùi Tiến Hùng nhấn mạnh về xu hướng gia tăng cận thị ở trẻ em sau đại dịch Covid, đồng thời nêu lên tầm quan trọng của việc ngăn ngừa tiến triển cận thị đối với chất lượng cuộc sống và trong học tập.
Cận thị là tật khúc xạ mà ảnh của vật nằm trước võng mạc. Hiện nay, có rất nhiều lý thuyết được đề ra xoay quanh các cơ chế tiến triển của cận thị, nhưng chưa lý thuyết nào được hoàn toàn công nhận. Cụ thể, các cơ chế tiến triển cận thị được bác sĩ Hùng đưa ra bao gồm:
1. Cơ chế duy trì chính thị bị ngắt quãng.
2. Cơ chế nhòe quang học kích thích kéo dài trục nhãn cầu.
3. Điều tiết quá mức.
4. Các sợi collagen củng mạc bất thường khiến củng mạc yếu, dễ kéo dãn.
5. Các yếu tố di truyền.
Đa số cận thị sẽ dừng tiến triển ở tuổi 16-21, tuy nhiên có tới 10% trẻ vẫn tiếp tục tiến triển cận thị khi qua tuổi 21. Do đó, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu các giải pháp để ngăn ngừa từ sớm. Các biện pháp được bác sĩ Hùng đề xuất bao gồm:
1. Đeo kính 2 tròng/ đa tròng/ mắt kính điều tiết dành riêng cho trẻ cận thị.
2. Đeo kính tiếp xúc ban đêm OrthoK – Phương pháp này đã được FDA công nhận về khả năng kiểm soát cận thị.
3. Dùng thuốc nhỏ mắt Atropine liều thấp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh Atropine nồng độ thấp (0,01%) có tác dụng kiểm soát cận thị mà không gây tác dụng phụ.
4. Hạ nhãn áp.
Trong cuộc sống sinh hoạt và học tập hàng ngày, trẻ cần có thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Trẻ cần được ra ngoài, vừa tập thể dục thể thao tốt cho hệ cơ xương khớp, vừa giúp mắt được thư giãn. Nếu thời gian học tập kéo dài thì trẻ cũng nên áp dụng nguyên tắc 20/20, tức là cứ 20 phút tập trung thì cho mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhắm lại hoặc nhìn xa, vượt ra khỏi màn hình hay trang sách.
Bác sĩ Hùng cho biết việc kiểm soát cận thị từ nhỏ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt nghiêm trọng như đục thủy tinh thể, glocom, bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm trong tương lai. Việc kiểm soát cận thị từ nhỏ cũng giúp việc phẫu thuật khúc xạ đạt kết quả tốt nhất trong tương lai.
Chấn thương mắt ở trẻ, cha mẹ không thể chủ quan
Tiếp nối những chia sẻ của BS CKII Bùi Tiến Hùng, BS CKII Trần Như Thảo cũng đưa ra những kiến thức bổ ích liên quan tới chấn thương mắt ở trẻ - một vấn đề cấp cứu nhãn khoa.
Một trong số những con số đáng chú ý được bác sĩ Thảo nhắc đến, đó là tỉ lệ trẻ dưới 17 tuổi gặp chấn thương mắt lên tới 40% số bệnh nhân nhi đến khám về mắt (theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương). Chấn thương mắt thường gặp nhiều hơn ở các bé nam hơn là các bé nữ, xảy ra do sự vô ý của các con khi tham gia các hoạt động như chơi thể thao, sinh hoạt, hay còn có thể do động vật cắn, chim cò mổ…
Chấn thương có thể ở bất kỳ thành phần nào của mắt, có thể là xung quanh mắt hay tại mắt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây mù loà, ảnh hưởng chức năng thị giác nghiêm trọng. Bác sĩ Thảo đã đưa ra những thông tin chi tiết giúp phân biệt các loại chấn thương ở mắt, gồm:
1. Chấn thương phần phụ ở mắt, đó là chấn thương mi mắt (rách da mi, đứt sụn mi), có dị vật ở hốc mắt.
2. Chấn thương nhãn cầu bao gồm chấn thương đụng dập nhãn cầu (thường do tay quẹt vào, đá banh, đánh cầu lông, té ngã...), chấn thương hở nhãn cầu (gồm chấn thương xuyên có hay ko có dị vật nhãn cầu, vỡ nhãn cầu…
3. Chấn thương thần kinh thị giác: có thể bị đứt, chèn ép gây thiếu máu sau chấn thương.
4. Bỏng mắt: do axit, alkali, nhiệt, hỏa khí, …
Khi bị chấn thương vật lý ở mắt, các bậc phụ huynh cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu cần thiết cho trẻ, ướp đá các thành phần của mắt không may bị đứt ra và chuyển trẻ đến cơ sở y tế có chuyên môn trong vòng 6 tiếng để các bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Trường hợp trẻ bị bỏng mắt thì việc cấp cứu phải tính bằng giây, cần làm dịu mắt trẻ ngay lập tức bằng nước mát, sau đó chuyển trẻ đến cơ sở y tế. Riêng trường hợp trẻ bị vôi bay vào mắt, người lớn cần gắp hết vụn vôi ra khỏi mắt trẻ, sau đó mới làm mát bằng nước, tránh trường hợp vôi gặp nước sẽ sôi nở, càng khiến tình trạng bỏng thêm nặng nề.
Bác sĩ Thảo nhấn mạnh, mắt là một phần nhỏ của cơ thể nhưng cấu trúc rất phức tạp. Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực, hoặc mù không hồi phục trên thế giới. Song, 90% nguyên nhân chấn thương có thể phòng ngừa bằng việc giáo dục, quan tâm và dùng bảo hộ để bảo vệ mắt, vì vậy cha mẹ hay người lớn trong gia đình cần đặc biệt lưu ý giáo dục trẻ bảo vệ đôi mắt quý giá của mình.
Trong phần cuối của chương trình, các bác sĩ đã dành thời gian giải đáp nhiều câu hỏi đáng giá từ quý khán giả. Thông qua phần hỏi đáp, các bác sĩ và chương trình mong muốn truyền tải thông điệp: Bố mẹ cần chú ý hơn trong việc bảo vệ đôi mắt của trẻ, để con có một đôi mắt sáng cùng tương lai rộng mở.