Áp lực tâm lý của giáo viên
Theo PGS. TS Trần Thành Nam: Những cuộc khảo sát gần đây chứng minh rằng giáo viên là một nghề gặp nhiều căng thẳng hơn các ngành nghề lao động khác. Và những năm đại dịch đã gia tăng thêm nhiều áp lực khiến người giáo viên bị kiệt sức. Năm 2022, chúng ta đã chứng kiến hơn 16.000 giáo viên đã xin nghỉ việc, bên cạnh những lý do khác thì một trong những nguyên nhân chính là do những áp lực tâm lý.
Từ lâu, nghề giáo đã được chứng minh là một trong những nghề mệt mỏi về mặt cảm xúc. Thầy cô phải mang việc về nhà, cơ sở vật chất thiếu hụt, ban giám hiệu, phụ huynh soi xét và thiếu ủng hộ, tỉ lệ học sinh trong lớp học quá tải, tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thầy cô giáo. Một số khảo sát cho biết sau đại dịch, có khoảng 75% thầy cô báo cáo rằng sức khỏe tâm thần của họ đang bị ảnh hưởng nhưng đáng buồn là chỉ có khoảng 6% trong số họ tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần mà thôi.
Vì vậy, giúp giáo viên ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, giúp họ nhận diện sớm các dấu hiệu tổn thương, trang bị cho họ những kiến thức vệ sinh sức khỏe tâm thần và tìm kiếm hỗ trợ về sức khỏe tâm thần đúng cách sẽ là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên những lớp học hạnh phúc, giúp con cái của chúng ta hạnh phúc khi tới trường.
Lấy cảm hứng từ dự án trường học hạnh phúc của UNESCO, mô hình trường học hạnh phúc tại Việt Nam được triển khai từ năm 2018 với 22 tiêu chí tập trung vào 3 khía cạnh cốt lõi Con người (People) - Hệ thống (Process) và Môi trường (Place). Trong đó, khía cạnh Con người đã đề cập rất nhiều đến vai trò của giáo viên trong việc phát triển mô hình này, cụ thể: thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên.
Người giáo viên giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho học sinh. Giáo viên là những người có tác động quan trọng về xây dựng và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của hàng học sinh. Nếu giáo viên có tình trạng sức khỏe tâm thần tốt, có thái độ, nhận thức, và năng lực tốt, sẽ tạo ra những tác thế hệ học trò hạnh phúc, có tác động lâu dài đến sự phát triển của hàng nghìn học sinh.
Do đó, muốn xây dựng Trường học hạnh phúc thì trước tiên, thầy cô giáo phải cảm nhận được hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều trường hợp như học trò hành hung giáo viên, phụ huynh đánh giáo viên nhập viện, học sinh đâm chết bạn vì những mâu thuẫn vụn vặt, rồi học sinh nói xấu thầy cô giáo đăng công khai lên mạng xã hội… Có bao nhiêu giáo viên đang nỗ lực, cống hiến hết mình trong ngành giáo dục, vừa hoàn thành chỉ tiêu chất lượng đang thực sự chưa cảm nhận được hạnh phúc? Áp lực đặt lên vai ngày càng lớn thì các thầy cô sẽ ra sao khi mà họ phải chịu trách nhiệm trước gia đình, nhà trường và xã hội về đạo đức của học sinh? Bấy lâu nay, chúng ta hầu như chỉ chú trọng tâm lý học sinh mà quên mất tâm lý và áp lực của các thầy cô giáo.
Trường học hạnh phúc trước tiên thầy cô phải hạnh phúc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần (SKTT) là trạng thái hoàn toàn thoải mái mà cá nhân có thể thể hiện được năng lực của bản thân và có thể ứng phó được với những stress thông thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, các giáo viên đang thực sự chưa được tập huấn và hỗ trợ để có thể nhận diện và ứng phó với các nguy cơ gây tổn thương SKTT.
Với mong muốn giáo viên có kiến thức và kỹ năng nhằm nâng cao SKTT của bản thân và ứng dụng trong công tác giảng dạy, ngày 16-17/12 tổ chức Good Neighbors International (GNI) kết hợp cùng Khoa các Khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục (UEd), Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình Hội thảo, tập huấn “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên nhằm hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”. Chương trình nằm trong dự án “Tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh THCS tại Hà Nội thông qua nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới” của tổ chức GNI năm 2022. Phát biểu tại Hội thảo, ông Park Dong Chul, Trưởng đại diện Tổ chức GNI cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần với đời sống con người, đặc biệt là đối với trẻ em giai đoạn vị thành niên nên từ năm 2019 -2022, Tổ chức GNI đã không ngừng đồng hành và hỗ trợ ngành giáo dục Việt Nam trong lĩnh vực CTXH và tư vấn tâm lý trong trường học. Cụ thể là triển khai các dự án nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh THCS trên địa bàn TP. Hà Nội thông qua hỗ trợ thiết laaoj các phòng tham vấn học đường và các hoạt động phòng ngừa, can thiếp về SKTT trong trường học, mục tiêu là xây dựng trường học hạnh phúc. “Trải qua thời gian đồng hành với các nhà trường, GNInhaanj thấy rằng một trong những yếu tố rất quan trọng để xây dựng được một môi trường hạnh phúc cho các em học sinh chính là việc đảm bảo sức khỏe tâm lý cho các thầy cô giáo. Khi thầy cô thấy hạnh phúc thì mới có thể truyền năng lực tích cực và đem lại hạnh phúc cho các em học sinh tốt hơn. Năm 2022 chúng tôi tập trung vào những hoạt động chung vào nâng cao sức khỏe tinh thần cho giáo viên thông qua việc tập huấn và xây dựng những hội thảo cho giáo viên”, ông Park Dong Chul nói.