Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em

 
Tại Việt Nam, từ những năm 1990 của thế kỷ 20, đã có những dự án lồng ghép phát triển trẻ thơ với sự hỗ trợ của các tổ chức Unicef, Cứu trợ trẻ em Anh, Plan… Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển toàn diện trẻ em (PTTDTE) những năm đầu đời, ngày 19/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Chăm sóc vì sự PTTDTE trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025” (Quyết định số 1437/QĐ-TTg). Việt Nam trở thành một trong 69 quốc gia đã ban hành đề án tổng thể cấp quốc gia về “Chăm sóc vì sự PTTDTE”. 
 
Trước thềm xuân mới 2020, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) chia sẻ với TC GĐ&TE về việc thực hiện Đề án PTTDTE Việt Nam trong thời gian tới. 
 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. 
 
Trẻ em phải trở thành “một trong những trọng tâm của mục tiêu xã hội” 

PV: Thưa ông, chúng ta phải hiểu khái niệm phát triển toàn diện trẻ thơ thế nào cho đúng? Ông có thể cho biết, vấn đề quan tâm nhất hiện nay trong phát triển toàn diện trẻ thơ là gì?
 
Ông Đặng Hoa Nam: Phát triển toàn diện trẻ thơ là việc hỗ trợ để trẻ em được cung cấp đầy đủ các dịch vụ về sức khoẻ và dinh dưỡng, kích thích tương tác thông qua giáo dục sớm, nuôi dưỡng chăm sóc, bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, bị bỏ rơi và bị tai nạn thương tích; trẻ được tiếp cận với việc học tập thông qua vui chơi trong suốt lứa tuổi mầm non cho đến khi chuyển sang tiểu học. Trong đó, nhóm tuổi được ưu tiên chăm sóc những năm đầu đời bao gồm từ khi bà mẹ mang thai đến khi trẻ được 8 tuổi.
 
PV: Mục tiêu phát triển trẻ thơ toàn diện trong Đề án đã đặt ra là gì, thưa ông? Chúng ta cần làm gì để có thể thực hiện được các mục tiêu đó?
 
Mục tiêu chung của Đề án hướng đến “Bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia”.
 
Đề án tiếp cận trẻ em theo các giai đoạn phát triển đầu đời đến 8 tuổi, đây là cách tiếp cận rộng theo xu thế được Unicef và nhiều tổ chức quốc tế hoạt động về trẻ em khuyến nghị. 
 
Các nhiệm vụ trọng tâm và hoạt động của Đề án đòi hỏi sự phối hợp và lồng ghép đồng bộ các dịch vụ đang có về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, giáo dục mầm non, trợ giúp xã hội, bảo vệ phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, nước sạch và vệ sinh môi trường. Mặt khác, cần tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các cấp, các tuyến dịch vụ và thiết lập mô hình gói dịch vụ chăm sóc, phát triển trẻ thơ toàn diện tại cộng đồng cho gia đình có trẻ em dưới 8 tuổi, ưu tiên nhóm trẻ em giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.


Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 được tổ chức thành công tại Hà Nội.
 
Xây dựng cơ chế phối hợp, mạng lưới kết nối các dịch vụ PTTDTE 
 
Xin ông cho biết, để các chính sách này tác động được đến đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đến được với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: suy dinh dưỡng thấp còi, giáo dục mầm non, bạo lực đối với trẻ em và trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ…, Bộ LĐTBXH đã có những hành động cụ thể gì?
 
Ngay sau khi Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể và chỉ đạo các địa phương án triển khai đề án: Ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Chương trình, Đề án hoặc Kế hoạch thực hiện  PTTDTE giai đoạn 2018- 2025 của địa phương và kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm. Đồng thời, Bộ LĐTBXH cũng đã gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội thảo triển khai Đề án đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em tại cấp tỉnh về tham mưu, phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án. Đến nay,  đã có 50/63 tỉnh, thành phố xây dựng Chương trình, Đề án, Kế hoạch trình UBND cấp tỉnh phê duyệt thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Các hoạt động xây dựng tài liệu, sản phẩm truyền thông, tài liệu tập huấn cho cha mẹ về nâng cao nhận thức, cập nhật kỹ năng chăm sóc PTTDTE trong những năm đầu đời cũng đã được khởi động. Bộ LĐTBXH phối hợp với Unicef đang triển khai chương trình tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em các kiến thức, kỹ năng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi. Hoàn thành tài liệu tập huấn cha mẹ với tên gọi “Không ai hoàn hảo” và đã đào tạo một đội ngũ giảng viên nòng cốt của chương trình.
 
Bộ LĐTBXH đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện Đề án và xây dựng cơ chế phối hợp, mạng lưới kết nối, lồng ghép các dịch vụ PTTDTE giai đoạn đầu đời. 

Theo ông, để triển khai có hiệu quả hơn nữa Đề án trên, chúng ta cần phải tập trung thực hiện các hoạt động nào? 
 
Sắp tới, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động PTTDTE tại các cấp, các ngành; xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn chung để triển khai các hoạt động PTTDTE. Rà soát và sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ gia đình và trẻ em, ưu tiên các chính sách thúc đẩy PTTDTE trong những năm đầu đời; Triển khai xây dựng Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về PTTDTE những năm đầu đời, từng bước nhân rộng trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng bộ chỉ số tối thiểu phản ánh việc tiếp cận các dịch vụ PTTDTE và đánh giá được mức độ hợp tác liên ngành trong triển khai hoạt động PTTDTE; Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tại cơ sở đặc biệt là cán bộ bảo vệ trẻ em, đội ngũ cộng tác viên cộng đồng để hỗ trợ triển khai Đề án; Xác định cụ thể nguồn ngân sách trung ương và địa phương, nguồn vận động và đóng góp của xã hội cho triển khai thực hiện Đề án tại các cấp. Đồng thời, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình có hiệu quả từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia…

Chúng ta vừa tổ chức rất thành công Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 tại Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Hội nghị này?
 
Hội nghị quốc tế này có sự tham gia của gần 600 đại biểu, gồm các bộ trưởng, đại biểu Quốc hội, đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia về lập chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức tư nhân đang hỗ trợ cho các chương trình, dự án PTTDTE. Đây là cơ hội chia sẻ tình hình, kinh nghiệm PTTDTE của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, cũng như huy động sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuẩn bị cho việc xây dựng những định hướng mới về phát triển trẻ em giai đoạn sắp tới.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Vũ Ngọc Vân/GĐTE