Thực hiện 3 tại chỗ: Chấm thi, ăn, nghỉ tại chỗ
Báo cáo đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hoài Nam cho biết, bên cạnh đảm bảo công tác chuyên môn về chấm thi, Hội đồng thi Sở GD&ĐT TP HCM phải "căng mình" ứng phó với dịch bệnh. Song song với các Ban chuyên môn như Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm… TP HCM còn thành lập Ban phòng chống Covid-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm Covid-19. Hoạt động xét nghiệm này đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân sự tham gia.
Khi TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Hội đồng thi của Sở đã chia nhỏ Ban chấm thi thành 20 tổ, mỗi tổ không quá 10 người để đảm bảo giãn cách. Các tổ chấm chia ca, tổ chức chấm lệch giờ để tránh tập trung đông người.
Tỉnh Đồng Nai hiện cũng là "điểm nóng" về dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, địa phương này đã trưng dụng một khu vực độc lập để tổ chức chấm thi và làm nơi ở tập trung trong suốt thời gian chấm thi cho tất cả lực lượng tham gia công tác này. Trước đó, tất cả nhân sự chấm thi đều được xét nghiệm Covid-19, đảm bảo âm tính mới tham gia làm nhiệm vụ.
Nguyên tắc 3 tại chỗ: Chấm thi, ăn, nghỉ tại chỗ cũng được Hội đồng thi Sở GD&ĐT Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng. Theo đó, 176 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và công an tham gia làm nhiệm vụ trong các ban chấm thi của Bà Rịa - Vũng Tàu, gần 200 cán bộ của Long An, đều được xét nghiệm Covid-19. Trong suốt quá trình chấm thi tập trung, lực lượng này thực hiện ăn nghỉ cách ly và chỉ rời khu chấm khi công tác chấm thi đã hoàn tất. Trước khi ra về, cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét nghiệm lại Covid-19 để đảm bảo không có nguồn dịch lây trong cộng đồng.
"Chúng tôi xác định việc chấm thi cũng phải thực hiện nhiệm vụ kép là tổ chức chấm đúng Quy chế và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để bảo đảm an toàn phòng chống dịch", đại diện Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Tiến độ chấm thi theo đúng kế hoạch
Theo báo cáo của 11 Hội đồng thi, hoạt động chấm diễn ra thuận lợi, đúng quy trình, Quy chế. Những quy định trong chấm tự luận như: Một bài thi được 2 giám khảo ở 2 tổ chấm độc lập, có thống nhất điểm; chấm kiểm tra ít nhất 5% tổng số bài thi… được thực hiện nghiêm. Qua báo cáo, việc chênh lệch điểm giữa 2 giám khảo ít xảy ra; quá trình chấm kiểm tra cũng chưa phát hiện vấn đề bất cập.
Về chấm thi trắc nghiệm, hầu hết các tỉnh đã hoàn thành việc quét bài, nhận dạng bài thi và gửi các đĩa CD0, CD1 về Bộ GD&ĐT. Quy trình và tiến độ chấm được các địa phương cam kết sẽ đảm bảo an toàn, theo đúng kế hoạch.
Trong số 11 Hội đồng thi tham gia cuộc họp, TP HCM có số lượng bài thi đông nhất với 87.668 bài tự luận Ngữ văn, hơn 420.000 bài trắc nghiệm. Với công suất và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm hiện nay, Hội đồng thi sẽ hoàn thành công tác chấm chậm nhất vào ngày 24/7, theo đúng kế hoạch Bộ GD&ĐT đề ra.
Hội đồng thi Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chấm được 1/3 trong số 12.846 bài thi môn tự luận Ngữ văn; quét xong bài và nhận dạng bài thi của hơn 44.000 bài thi trắc nghiệm. Hoạt động chấm này dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 18/7 với các môn trắc nghiệm và trước ngày 20/7 với môn tự luận.
Hội đồng thi Sở GD&ĐT Kom Tum trong ngày 17/7 sẽ hoàn thành chấm thi môn tự luận. Việc chấm trắc nghiệm đã làm đến bước bàn giao CD2 cho Bộ GD&ĐT; hiện chỉ chờ đáp án từ Bộ để hoàn thiện các bước tiếp theo.
"Tình hình chấm thi tại địa phương diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch. Dự kiến chiều 17/7 hoàn tất phần chấm tự luận", Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải nói và cho biết sẽ đảm bảo tiến độ và an toàn, an ninh, đúng Quy chế trong hoạt động chấm thi.