Bà Theresa May, bộ trưởng Nội vụ Anh từ năm 2010 đến nay, cùng với các ứng viên khác của đảng Bảo thủ là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox và bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadson tham gia tranh cử chức thủ tướng sau tuyên bố từ chức của ông David Cameron vào ngày 24/6. Đến ngày 11/7, sau khi đối thủ chính đột ngột rút lui, bộ trưởng bộ nội vụ May trở thành tân thủ tướng Anh. Cùng lúc thủ tướng David Cameron cũng quyết định từ chức sớm.
Theresa Mary May (Theresa Mary Braiser) sinh ngày 1/10/1956 ở một thị trấn ven biển Eastbourne trên bờ biển phía nam nước Anh, là con gái của một mục sư Tin Lành nổi tiếng nghiêm khắc và có cuộc sống riêng tư bí ẩn.
Bà May theo học ngành nghiên cứu địa lý tại Đại học Oxford. Chính tại một sàn nhảy dành cho sinh viên đảng Bảo thủ của trường, bà đã được Benazir Bhutto - sau này là thủ tướng Pakistan - giới thiệu với người chồng tương lai là ông Philip May.
Theresa May chăm đi nhà thờ và kết hôn nhưng không có con. Bà là người theo khuynh hướng Bảo thủ tự do, ủng hộ bình đẳng giới và hôn nhân đồng tính (dù bà từng bỏ phiếu chống lại quyền nhận con nuôi của các cặp đồng tính vào năm 2002).
Bà Theresa May đang dẫn đầu trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Anh.
Bà thường được so sánh với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Financial Timesmô tả hai bà là những nữ chính trị gia "phi ý thức hệ với phong thái cứng rắn trong công việc". Bà Theresa May cùng với cố thủ tướng - "người đàn bà thép" Margaret Thatcher là hai trong 4 nữ chính trị gia giữ các chức vụ "trụ cột" của đất nước gồm thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao, bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Nội vụ.
Hành trình trở thành “người đàn bà thép” thứ hai
Sau đại học, bà May làm việc và đảm nhiệm một số chức vụ trong Ngân hàng Anh và Hiệp hội Dịch vụ thanh toán trước khi được bầu làm nghị sĩ ở Maidenhead vào năm 1997. Bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ vào năm 2002 khi đảng giữ vai trò đảng đối lập dưới thời thủ tướng Tony Blair.
Năm ấy, bà đã có một bài phát biểu sắc bén tại hội nghị thường niên của đảng, cảnh báo phe cánh hữu về việc cử tri xem đảng Bảo thủ là một "đảng ghê rợn". Chính bài phát biểu này đã đánh dấu sự xuất hiện của Theresa May trên phạm vi quốc gia.
Trước khi đảng Bảo thủ thành lập chính phủ liên minh vào năm 2010, bà đã giành được hơn một nửa số phiếu bầu ở Maidenhead, điều này đã khiến ông Cameron bổ nhiệm bà làm bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng và bộ trưởng Nội vụ.
Hoạt động gần đây nhất của bà là đưa ra thảo luận dự luật về quyền hạn điều tra, cung cấp cho Cơ quan An ninh Anh những quyền giám sát mới để tiện theo dõi việc sử dụng Internet của công dân trên tinh thần tuân thủ nhân quyền và luật bảo mật của Liên Hiệp Quốc.
Bà Theresa May cũng phải đối mặt với các tranh cãi về chức vụ của mình ở bộ Nội vụ. Bà từng ủng hộ việc sử dụng các đạo luật chống khủng bố để giam giữ David Miranda – bạn đời của nhà báo nổi tiếng trong vụ Edward Snowden tiết lộ tài liệu mật. Bà còn bị khiển trách vì "sự cố hộ chiếu" xảy ra vào năm 2014, khi số lượng hồ sơ tồn đọng trong quá trình xử lý hộ chiếu mới lên đến con số hàng trăm nghìn.
Bà Theresa May và chồng, ông Philip May, đi nhà thờ sáng 10/7. Ảnh:Dailymail.
Cam kết lãnh đạo nước Anh hậu Brexit
Trong cuộc đua tranh chứcThủ tướng Anh, Theresa May là một trong những người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, bà tự nhận sẽ làm cây cầu kết nối giữa phe hoài nghi châu Âu (Euroskeptics) và phe tiến bộ của đảng khi lãnh đạo nước Anh hậu Brexit.
Trong lời cam kết được trích trong tờ London Times ra ngày 30/6, bà khẳng định rằng với kinh nghiệm lãnh đạo của mình, bà có thể giúp Anh trở thành một đất nước đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người.
Với vai trò là bộ trưởng Nội vụ có nhiệm vụ kiểm soát nhập cư và an ninh quốc gia, bà đã giành được sự ngợi khen từ phía hoài nghi châu Âu vì đưa ra những đường lối cứng rắn về xuất nhập cảnh. Tạp chí Time cho biết, bà May đã đề nghị mức lương tối thiểu dành cho người lao động không thuộc EU muốn chuyển đến Anh trong khoảng năm 2012 và cho các công dân Anh đang tìm cách đưa vợ, chồng hoặc con cái đến đất nước này.
Bà còn được ca ngợi vì đã trục xuất nhà truyền giáo cực đoan Abu Qatada và từ chối dẫn độ kẻ đột nhập máy tính của Lầu Năm Góc - Gary McKinnon sang Mỹ, dù trong thời gian bà giám sát thì trong nước không hề có một cuộc tấn công khủng bố lớn nào.
Với thời gian làm việc tại Bộ Nội vụ lâu nhất trong suốt nửa thập kỷ qua, bà Theresa May được xem là một ứng cử viên đáng tin cậy để kế nhiệm vị trí của ông Cameron và trở thành nữ thủ tướng thứ 2 của đảng Bảo thủ.