Theo một nghiên đối với người dân sống ở quận San Diego, California, 3 yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống bao gồm: sức khỏe thể thất, sức khỏe tinh thần và sức khoẻ tâm thần. Trong đó, sức khỏe tâm thần có thể được định nghĩa như sau: "Đó là khả năng của bộ máy tâm lý hoạt động một cách hoàn toàn hợp lý, có hiệu quả và đương đầu một cách mềm dẻo trước những tình huống khó khăn mà vẫn có thể tìm lại được sự cân bằng của mình".
Các nhà nghiên cứu phát hiện, những người cao tuổi có đời sống tâm thần tốt hơn những người trẻ tuổi. Người ở lứa tuổi 20 - 30 có điểm số thấp nhất về đời sống tâm thần. Mặc dù những người cao tuổi suy giảm cả về sức khoẻ và khả năng suy nghĩ, nhưng sự lão hóa lại có mối liên kết tốt hơn với đời sống tinh thần và cảm giác hài lòng với cuộc sống.
Tiến sĩ Dilip Jester của Viện nghiên cứu lão hóa Stein, Đại học California cho biết, người cao tuổi thường ít lo lắng, căng thẳng và ít có nguy cơ trầm cảm hơn.
Người già, người trẻ, ai sẽ hạnh phúc hơn?
Thông thường mọi người cho rằng tuổi già thường đi kèm với giai đoạn u ám và thất vọng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy điều ngược lại.
Các nhà nghiên cứu khảo sát qua điện thoại với 1.500 người trong khoảng 21 – 99 tuổi và đánh giá kỹ năng nhận thức của họ trong suốt cuộc gọi. Đồng thời, những người đó cũng thực hiện một bản khảo sát bằng văn bản về các thông tin sức khoẻ thể chất và tâm lí để đánh giá mức độ họ hài lòng về cuộc sống.
Những người trong độ tuổi từ 20 đến 30 có các chỉ số tâm lí tệ nhất. Giai đoạn này, người trẻ phải vật lộn với cuộc sống, thiết lập sự nghiệp, tìm kiếm bạn đời và nhiều áp lực về tài chính.
Các nghiên cứu trước đó về mức độ hạnh phúc suốt đời cho các kết quả khác biệt. Các báo cáo cho thấy, mức độ hạnh phúc của đời người có thể minh hoạ bằng đồ thị hình chữ U. Người ta hạnh phúc nhất ở tuổi 20 – 30, và giảm dần khi ở lứa tuổi trung niên 40 -50. Các chỉ số hạnh phúc lại tăng mạnh khi người ta bước vào giai đoạn tuổi già 60 – 70 tuổi. Các số liệu cho thấy sự thay đổi đều đặn chỉ số hạnh phúc theo lứa tuổi. Điều này thể hiện sự thay đổi đời sống tinh thần theo lứa tuổi. Tuổi già là khoảng thời gian của sự hài lòng và mãn nguyện.
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác vì sao người cao tuổi cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng các chuyên gia cho rằng, những người lớn tuổi có kinh nghiệm đối phó với những căng thẳng và thăng trầm của cuộc sống hơn những người trẻ tuổi. Thế mạnh về tinh thần giúp họ vượt qua các vấn đề của cuộc sống, bao gồm cả sự suy giảm về thể chất và chức năng nhận thức.
Người lớn tuổi từng trải và khôn ngoan hơn người trẻ. Kinh nghiệm và trí tuệ của họ sẽ giúp người trẻ học hỏi cách để vượt qua căng thẳng và giải quyết khó khăn.
Theo Hoài Trần (Cafef.vn - Nguồn: The Huffingtonpost)