Tháng 8/2015, Hà Công Cương được vinh danh thủ khoa xuất sắc đầu ra của Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội sau nhiều thành tích nổi bật như: Điểm học tập toàn khóa 9,52; là sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2011-2015; Huy chương bạc Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống tại Huế năm 2012; Huy chương Bạc Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc tại Đà Lạt năm 2014. Ở trường hầu như ai cũng biết, chàng bí thư chi đoàn năng nổ với hoạt động thiện nguyện này suốt những năm đại học đã tự mình bươn chải làm thêm để có tiền chi trả ăn học.
Hà Công Cương từng bốc vác, phụ hồ trở thành thủ khoa đầu ra xuất sắc của Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội năm 2015. Ảnh: Quỳnh Trang.
Sinh ra trong gia đình dân tộc Tày nghèo khó ở huyện miền núi Chiêm Hoá (Tuyên Quang), tuổi thơ của Hà Công Cương là những buổi 3 chị em chơi trong chiếc chuồng lợn trống để bố mẹ đi làm xa vì nhà nằm giữa rừng sâu không có ai trông trẻ giúp. Khi gia đình chuyển về khu đông dân hơn, ngày ngày Cương theo ông nội đi chăn trâu, tập tành thổi sáo. Tiếng nhạc réo rắt, vui tai từ thứ nhạc cụ nhỏ bé vang vọng khắp thôn nghèo thanh vắng Pá Tao Thượng (xã Hoà An, huyện Chiêm Hoá) khiến cậu bé mê mẩn rồi gắn bó suốt bao năm.
Năm lớp 10, Cương được giới thiệu và thi đỗ vào Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc nhờ tài thổi sáo chỉ bằng sự chỉ dẫn của ông nội là thành viên đội nhạc hiếu. Theo học một năm, Hà Công Cương thấy tò mò về môi trường đào tạo nghệ thuật lớn hơn ở Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội mà các giảng viên của trường Tây Bắc từng theo học. Chia sẻ ý định chuyển trường, Cương bị mẹ phản đối vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Tuy nhiên, người bố rất thương con trai, quyết bán 2 bao thóc cuối cùng để làm lộ phí đưa con xuống Hà Nội thi cử.
“Đàn chó mới đẻ cũng được bán cho hàng xóm để em có bộ quần áo tươm tất hơn. Hoàn cảnh đó chẳng khác gì của gia đình chị Dậu”, Cương nhớ lại và cho biết, sau khi thi xong về đến huyện, hai bố con chỉ còn 35 nghìn đồng, trong khi nhà cách đó vài chục km đường rải sỏi.
Tháng 8/2008, chàng trai người Tày Hà Công Cương nhận được giấy báo đỗ hệ trung cấp nhạc cụ dân tộc K9 của Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội. 3 năm sau em đỗ tiếp hệ đại học của ngôi trường này. Trước đó Cương đã suy nghĩ rất nhiều có nên học tiếp hay về quê đỡ đần bố mẹ trang trải cuộc sống. Một số người khuyên thôi học, nhưng bố mẹ lại rất động viên vì cả họ Hà chưa có ai học cao đến mức đó. Với ý nghĩa đơn giản, nhiều người chỉ cần bằng sơ cấp đã có thể về dạy ở Pá Tao Thượng thì mình học cao hơn, chắc chắn sẽ kiếm sống tốt sau này, Công Cương quyết định xuống thủ đô học tiếp.
Hà Công Cương biểu diễn cùng dàn nhạc trong Liên hoan độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: NVCC.
Chàng trai sinh năm 1992 buồn rầu tâm sự, em gái thi đỗ Đại học Quốc gia nhưng vì nhường anh học tập đã về quê học cao đẳng. Chị gái Cương trước khi theo học trung cấp Y ở tỉnh nhà cũng phải vào Sài Gòn làm thuê để có tiền trang trải chi phí. Còn Cương, để quyết theo đuổi mục tiêu đại học, từ năm thứ nhất em đã tranh thủ lúc không phải lên giảng đường đi làm thuê kiếm tiền chi trả cho cuộc sống đắt đỏ nơi thủ đô. Nhiều người thấy em học trường nghệ thuật lại phụ hồ, bốc vác, bưng bê thì ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên, Cương lại vui vì mỗi buổi làm thêm kiếm được 50-70 nghìn đồng, đủ tiền ăn và tích cóp nộp tiền phòng trọ.
Những ngày Tết đến trong khi bạn bè nô nức về quê sum họp sớm với gia đình thì Cương vác balo đi làm thuê kiếm lộ phí về nhà. “Khi gia đình quây quần, các con đưa ra những giấy khen vì thành tích học tập tốt, bố mẹ, ông bà em đều vui lắm nhưng sau đó lại buồn vì không có gì cho con cháu mang đi”, Công chia sẻ. Chỉ ở lại nhà vài hôm, mùng 2 Tết chàng sinh viên lại lên Hà Giang nấu cơm cỗ, bưng bê để có tiền xuống Hà Nội học tiếp.
Năm 2012, Công là một trong số 7 sinh viên xuất sắc của Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội được cùng 25 giảng viên có chuyên môn giỏi trong trường, tham gia cuộc thi hoà nhạc toàn quốc tại Huế và giành huy chương Bạc. Năm 2014, em tiếp tục được thi giải toàn quốc ở nội dung song tấu và đạt giải Nhì. Với Cương, đây là bước ngoặt lớn và như sự đền đáp thích đáng cho bao nỗ lực tự bươn chải kiếm tiền ăn học, phải luyện bài ở sông Tô Lịch để tránh ồn ào cho hàng xóm, là động lực để em theo đuổi đam mê với cây sáo, kèn bầu (sona).
"Cương là sinh sinh giỏi toàn diện không chỉ trong học tập, công tác chuyên môn mà còn ở các hoạt động phong trào đoàn hội, tình nguyện. Em luôn chịu khó trau dồi học hỏi, khiêm tốn và có năng lực, ý chí quyết tâm cao. Đặc biệt ở Cương có sự cố gắng vươn lên hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn rất đáng trân trọng", Chủ nhiệm khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi (Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội) Nguyễn Xuân Bắc nói. Nghệ sĩ ưu tú này chia sẻ thêm, nhà trường chọn Cương tham dự hai kỳ liên hoan âm nhạc toàn quốc bởi ngoài khả năng học tập tốt được thể hiện qua thời gian dài rèn luyện, nam sinh này còn có bản lĩnh sân khấu và kỹ năng thực tiễn.
Hà Công Cương nhận Bằng khen tại lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm 2015 do UBND TP. Hà Nội tổ chức. Ảnh: vnq.edu.vn..
Thành tích học tập luôn đứng top đầu của khoa, tích cực tham gia hoạt động phong trào, năm 2014, Hà Công Cương được kết nạp Đảng. Em sau đó trở thành thủ khoa đầu ra xuất sắc của Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội.
Tuy đến nay chưa có công việc ổn định, nhưng thủ khoa người Tày không nuối tiếc vì theo học dòng nhạc dân tộc khó kiếm việc làm. Bởi với em cây sáo, kèn bầu đã trở thành tri kỷ luôn ở bên mỗi lúc em vui, buồn. “Buồn em thổi sáo, vui em cũng chơi, lúc tâm trạng bình thường cây sáo cũng cất tiếng réo rắt trên môi. Sáo trở thành đam mê và là món ăn tinh thần không thể thiếu với em”, Cương chia sẻ và hy vọng một ngày không xa sẽ được nhận vào đơn vị nghệ thuật nào đó để phát huy khả năng âm nhạc của mình.