Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chàng trai 21 tuổi thu nhập 400 triệu/năm từ gỗ

Bằng tình yêu, niềm say mê với nghề, Đỗ Hữu Phúc (1989) đã trở thành ông chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ngay trên quê hương của mình.

Từ giã học đường, chạy theo đam mê

Đỗ Hữu Phúc (Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội) kết thúc sự nghiệp học hành của mình khi vừa tốt nghiệp cấp 2. 15 tuổi, chàng trai Hà thành đã quyết định từ giã trường lớp, bạn bè để bươn chải, mưu sinh.

Trong một lần tình cờ đến nhà bác chơi, Phúc được tận mắt chứng kiến từng từng khối hoa văn tinh tế, uốn lượn xuất hiện trên tấm gỗ thô sơ qua bàn tay điêu luyện của thợ mộc. Đấy cũng là lúc Phúc bắt đầu sự tò mò, khao khát được tìm hiểu cách chạm, khắc một cách mãnh liệt như thế.

Đỗ Hữu Phúc, chàng trai đam mê làm đồ thủ công mỹ nghệ

Kể từ đó, Phúc có hứng thú đặc biệt với cái đục, cưa, bào, khoan...  Anh dành phần lớn thời gian của mình vào việc học đục ở làng. Đôi bàn tay cứ tỉ mẩn đục đẽo, khắc chạm từng nét một trên những tấm gỗ thô sơ với hy vọng vật vô tri này sẽ trở nên có hồn theo cách riêng nào đó.

“Bây giờ tôi mới thấm hết câu nói “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề". Tôi đến với nghề chạm, khắc gỗ như cái duyên tiền định dù trước cho chưa bao giờ tôi nghĩ, tiếng đục, tiếng cưa lại có thể làm mình say mê đến như vậy”.

Với niềm đam mê đặc biệt với chạm, khắc gỗ, Phúc luôn cho rằng, học nghề ở quê là chưa đủ. Chàng trai trẻ muốn được đến vùng đất khác học những miếng nghề mới mẻ hơn.

15 tuổi, quyết định ra ngoài học hỏi, Đỗ Hữu Phúc bị bố mẹ phản đối kịch liệt. “Bố mẹ lo tôi còn nhỏ, ra ngoài sẽ bị bắt nạt hoặc bị cám dỗ. Tôi đã tìm mọi cách thuyết phục bố mẹ, nào là con yêu nghề, nào là ra ngoài sẽ giúp con sớm trưởng thành hơn… nhưng thực lòng chính tôi cũng có chút gì đó sờ sợ khi phải va chạm với xã hội. Nhưng quyết là làm, bằng mọi cách tôi đã xách ba lô lên và đi theo tiếng gọi đam mê của tuổi trẻ”, Phúc tâm sự.

Trở thành ông chủ, thu nhập 400 triệu/năm

Trong suốt 6 năm bươn chải ngoài xã hội, vừa học nghề vừa mưu sinh, Đỗ Hữu Phúc đã phải nếm trải nhiều vất vả.

Đỗ Hữu Phúc (áo trắng) chia sẻ, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao

Những ngày đầu mới bước chân ra khỏi nhà đi tìm chỗ làm và học, với tôi cái gì cũng mới lạ, bỡ ngỡ. Tôi đã từng rất chán nản khi nhận ra, để theo đuổi được nghề này có đam mê thôi là chưa đủ mà còn cần có năng khiếu, sự khéo léo, tỉ mỉ đặc biệt là lòng kiên trì. Có lần, vì lo lắng công việc, căng thẳng, áp lực, ngồi đục không chuyên tâm, tôi đã đục thẳng vào tay, chảy rất nhiều máu”, anh Phúc giãi bày.

Để biến một khối gỗ thô sơ, vô tri vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật với họa tiết, hoa văn sắc sảo là không hề đơn giản. “Ngày đó, tôi tưởng mình phải bỏ cuộc vì khó khăn. Nhưng đêm về vắt tay lên trán, nghĩ về bố mẹ, hai em ở nhà tôi lại không cho phép mình làm vậy. Sau nửa năm miệt mài học hỏi, tôi đã biết cách tạo hình trên gỗ rồi từ từ trưởng thành trong nghề”.

Năm 2010, sau khi “dắt lưng” được kha khá kinh nghiệm về nghề gỗ, anh Phúc quyết định về quê mở xưởng sản xuất ngay trên mảnh đất nhà mình. Hằng ngày, anh miệt mài bên những khối gỗ, tỉ mỉ đục đẽo, chạm khắc từng chút một. Những sản phẩm điêu khắc gỗ đầu tiên của anh rất độc đáo và  mới lạ khiến không ít người phải trầm trồ thán phục.

Ban đầu, khách hàng chủ yếu là người quen, người trong làng. Nhưng rồi, tiếng lành đồn xa, nhiều người huyện khác như Hoài Đức, Gia Lâm… cũng đến tìm anh đặt hàng.

Các sản phẩm của anh chủ yếu là đồ thờ, câu đối, cuốn thư, hoa sen, phong cảnh…tất cả đều được chạm trổ bằng nhiều loại gỗ khác nhau, tùy theo yêu cầu khách đặt. Anh Phúc hồ hởi cho biết, xưởng gỗ của anh cho thu nhập hơn 400 triệu mỗi năm.

Một sản phẩm thủ công mỹ nghệ do anh Phúc làm ra

“Ngày nào tôi cũng chũi mũi cưa cưa, đục đục từ sáng đến tối. Những dịp đặc biệt như tháng 7 âm lịch, giáp Tết còn bận rộn hơn, có khi tôi còn làm việc thâu đêm. Có lẽ, vì mê nghề chạm khắc quá cho nên đến giờ tôi vẫn nợ bố mẹ một nàng dâu”, anh Phúc cười nói.

Sự nỗ lực của Đỗ Hữu Phúc khiến nhiều người nể phục. Anh Hoàng Quý Quân (hàng xóm của anh Phúc) chia sẻ: “Anh Phúc là người rất đáng nể, trẻ tuổi mà đã là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ lớn như vậy. Tôi và bà con rất khâm phục sự kiên trì và niềm say mê công việc của anh”.