Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chàng trai khiếm thính Phạm Anh Đạo và sự bứt phá thoát nghèo

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo say mê tạo ra những tác phẩm gốm sứ có một không hai.
Không đầu hàng số phận 
 
Câu chuyện về chàng khiếm thính Phạm Anh Đạo với bảng thành tích đáng nể: Giải xuất sắc Bàn tay vàng nghề gốm sứ năm 2006, danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2011, năm 2016 nhận Bằng xác lập kỷ lục Việt Nam cho cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất,... đã khiến không ít người trầm trồ thán phục. 
 
Phạm Anh Đạo sinh năm 1977, hơn 30 năm trước bố mẹ anh tưởng không thể trông mong được gì vì Đạo mất đi khả năng nghe và nói do uống kháng sinh liều cao quá nhiều. Cho Đạo tới trường khó khăn lắm và với sự ưu ái của thầy cô thì anh mới qua được bậc tiểu học. Nhưng ít ai ngờ, suốt những năm tháng sau này, khi bỏ học, đi lang thang chơi chỗ này chỗ khác, Đạo đã chăm chú học hỏi được nhiều kiến thức về gốm. Khi bố anh cho vào làm phụ việc trong Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng, Đạo đã cho thấy khả năng và tố chất về nghề gốm hơn những gì công việc yêu cầu. Bố anh đã đầu tư, vay mượn thêm cho con mở lò gốm ở nhà, sau khi nghỉ làm tại Xí nghiệp Gốm sứ. 
 
Một phần vì điều kiện tài chính, một phần vì Đạo quá yêu thích công việc làm gốm với bàn xoay theo phương pháp thủ công truyền thống, nên gia đình anh đã không đi theo hướng làm gốm bằng phương pháp đổ rót và sử dụng các công nghệ hiện đại hỗ trợ như lâu nay dân làng Bát Tràng vẫn đang thực hiện để mang tới hiệu quả kinh tế cao. Không ít người ái ngại và ngán ngẩm khi nhìn những sản phẩm vuốt - nặn - vẽ quá đỗi đơn sơ, còn lem nhem, vẹo vọ của chàng trai khiếm thính. Có người nói thẳng rằng, nhà anh đã nghèo, bản thân Đạo còn chịu nhiều thiệt thòi, hẩm hiu mà còn bảo thủ nữa thì đến khi nào mới thoát khổ. Đạo dường như cảm nhận được hết, nhưng anh vẫn cương quyết đi theo phương pháp cổ truyền, ngày đêm nghĩ cách làm cho sản phẩm của mình hoàn hảo hơn.
 
Chị Trinh (áo đỏ) nhận ra sản phẩm gốm làm theo phương pháp cổ truyền có sức hút rất lạ như ẩn chứa những tinh hoa gốm cổ và như phảng phất đam mê của chồng.
 
“Đất phải chịu trời” và sự bứt phá thoát nghèo
 
Rồi cứ thế, tiếng lành đồn xa, bà con đã thay đổi cách nhìn về anh và ghi nhận sự nỗ lực, đam mê của Đạo dành cho nghề truyền thống của làng. Anh được mời tham gia các hoạt động mang tính phong trào, dù sản phẩm vẫn chưa thể “bù lỗ” cho những đầu tư. Đạo tình cờ lọt vào mắt xanh Mỹ Trinh - cô gái duyên dáng làng bên trong một ngày hội làng. Câu chuyện tình của họ là một thiên tình sử dài và họ đã thành vợ thành chồng. Cũng là “dân” làm gốm, chị Trinh suy nghĩ: Cách làm gốm của anh ấy không ổn, hiệu quả kinh tế không cao, vì nó là sản phẩm đơn chiếc, mỗi lần làm chỉ được một cái. Nếu tập trung, một ngày anh ấy làm được chừng 10 - 20 sản phẩm và 20 ngày anh ấy mới có được một lò gốm. Nếu thời tiết không thuận thì phải một tháng mới có một lò. Trong khi đó, nếu làm theo phương pháp công nghiệp thì mỗi lần làm ra vài trăm sản phẩm, ba ngày được một lò, tiến độ rất nhanh.
 
Chị Trinh không thuyết phục được chồng làm theo phương pháp công nghiệp nên cuối cùng “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Chị Trinh theo chồng chuyển hẳn sang làm gốm theo phương pháp thủ công truyền thống. Chị nhận ra: Sản phẩm gốm làm theo phương pháp cổ truyền rất độc đáo, mỗi cái là một dáng vẻ khác nhau. Đằng sau sự đơn sơ, không bóng bẩy, sáng láng như gốm công nghiệp là sức hút rất lạ, như ẩn chứa những tinh hoa gốm cổ các cụ lưu truyền lại, như phảng phất đam mê của chồng. Những khách hàng tìm tới mua sản phẩm gốm của Nghệ nhân Phạm Anh Đạo sau lúc ban đầu vì tò mò, hiếu kỳ là sự thích thú bởi sự “độc bản” không lẫn lộn, không trăm cái như một.
 
Nhờ vào sự nỗ lực không mệt mỏi, Phạm Anh Đạo ngày càng làm ra những sản phẩm hoàn hảo hơn, tinh tế hơn và phù hợp hơn với dòng chảy đời sống hiện đại. Anh trở thành “của độc” khi một mình đi theo phương pháp cổ truyền, trong khi cả làng làm theo phương pháp công nghiệp. Những nghệ nhân giỏi của làng xem anh như một hiện tượng và họ giới thiệu anh với bạn bè. Nhiều nơi mời Phạm Anh Đạo tham dự các triển lãm, anh cũng gặp gỡ các nghệ nhân, các văn nghệ sĩ và báo giới. Từ đó, sản phẩm của Đạo được quan tâm, được trân trọng và vợ chồng anh nhận được các đơn hàng trong và ngoài nước. Các đầu mối buôn bán cũng tìm tới nhập hàng về bán. Bên cạnh các sản phẩm gốm sứ loại nhỏ, Đạo còn thực hiện những sản phẩm có kích cỡ lớn và anh trở thành người được mời cố vấn, hay tham gia vào rất nhiều sản phẩm trưng bày đòi hỏi thực hiện kĩ thuật khó. Đôi chóe có kích cỡ khủng với chiều cao trên dưới 2m và bán kính 2 người ôm, mỗi chiếc nặng nửa tạ của anh được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống trên nền men rạn và được trao Bằng kỷ lục Việt Nam chính là sản phẩm đã giúp anh được vinh danh là Nghệ nhân Hà Nội.
 
Kinh tế gia đình anh được cải thiện rõ rệt. Nhưng vì thực hiện theo phương pháp cổ truyền mang tính đặc trưng nên nhiều khâu Đạo vẫn buộc phải làm mà không ai làm thay được. Vợ chồng anh chỉ thuê thợ theo thời vụ cho những khâu đơn giản. Bởi vậy, cho tới bây giờ, dù đã được xem là người nổi tiếng, có rất nhiều giải thưởng danh giá, Nghệ nhân Phạm Anh Đạo vẫn là một người thợ miệt mài với công việc. Sự đam mê nghề giúp anh luôn tạo ra những tác phẩm gốm sứ có một không hai.
 
Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất - Tác giả: Nghệ nhân Phạm Anh Đạo.

 

Thục Nhi/GĐTE