Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chàng trai ngồi xe lăn nuôi bạn liệt tứ chi ở viện

Người bạn liệt tứ chi lâm bệnh, chàng trai Thái Duy Đức ngồi xe lăn vẫn tự đón xe khách đưa cả hai từ Lâm Đồng về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) điều trị.

 

Hơn 10 ngày nay, phòng bệnh số 5 Khoa Phỏng Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy quen thuộc với hình ảnh chàng trai ngồi xe lăn chăm nuôi người bạn đang nằm bất động trên chiếc giường được kê sát tường. Ngoài việc kề cận bón từng thìa cơm, giúp bạn xoay trở vệ sinh, Đức còn lau mát, nắn bóp đôi tay co quắp của người bạn 27 tuổi.

Qua một người bạn chung cảnh tật nguyền, Đức biết hoàn cảnh "tận cùng bi đát" của chàng trai liệt tay chân, sống đời thực vật sau tai nạn giao thông cách đây 8 năm. Từ huyện Đơn Dương, Đức chạy xe máy 3 bánh đến huyện Đức Trọng thăm nhà Linh. Nhìn Linh đau đớn với những vết lở loét cơ thể đang lan rộng, Đức "không ngăn được nước mắt".

Mẹ Linh 60 tuổi bị tai biến nằm một chỗ đã 12 năm, đầu óc không còn tỉnh táo nên suốt ngày than gào. Bố Linh 67 tuổi nằm viện do ung thư gan hơn một năm nay, tình hình chuyển biến xấu. Anh và em trai đều là lao động phổ thông, vừa lo kinh tế vừa thay nhau chăm sóc 3 người bệnh. Linh phần thân thể từ cổ trở xuống không cảm giác nên không cảm nhận được những vết loét trên người, chỉ biết rằng bị chúng hành hạ bằng những cơn sốt giật nhễ nhại mồ hôi.

"Cảnh nhà Linh là bể khổ cuộc đời. Một gia đình phải hứng chịu mấy nỗi đau giày xéo. Em quyết tâm bằng mọi giá phải đưa bạn xuống Sài Gòn chữa trị", Đức hồi tưởng lại duyên cớ vượt đường xa cùng bạn. Đức quay 2 video kèm một lá thư ngỏ đăng lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ, liên hệ các hội từ thiện. Số tiền ủng hộ, Linh để lại một phần gửi đến viện tỉnh cho bố trị ung thư, phần còn lại cùng Đức đi xe khách từ Lâm Đồng xuống Sài Gòn.


Đức ngồi xe lăn chăm sóc Linh ở bệnh viện. Ảnh: Lê Phương.


Một chàng trai liệt tứ chi, một chàng trai tự đẩy xe lăn cùng đống đồ đạc hành lý với sự giúp đỡ của nhà xe và người đi đường đã tự dìu dắt nhau đến tận bệnh viện. Nhìn đôi bệnh nhân - thân nhân khác thường, mọi người ưu tiên làm thủ tục sớm để cả hai được lên phòng bệnh nhanh nhất. "Bản thân em cũng tiểu tiện không cảm giác, ngày đầu tiên vừa di chuyển đường dài vừa ôm nhiều đồ chèn lên bụng nên lúc nhập viện thì người cũng bê bết, hôi hám", Đức nhớ lại.

Bác sĩ Trần Văn Khoa, Khoa Phỏng Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại những điểm tỳ đè do nằm lâu trên vùng cùng cụt, mông, lưng, hông của Linh xuất hiện các vết loét rất lớn gây thiếu máu, hoại tử, nhiễm khuẩn. Với tình trạng liệt tứ chi, suy mòn suy kiệt nặng, bệnh nhân đang được điều trị nâng đỡ tâm trạng, chăm sóc vết thương cho ổn định mới tiến hành phẫu thuật được. Dự kiến sau khi mổ cắt lọc các ổ loét, bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình xoay vạt da để che vết loét.

"Xung quanh vết loét đã xơ chai lâu ngày nên ca mổ có thể đối diện nhiều khó khăn, quá trình điều trị sẽ kéo dài và rất tốn kém. Bệnh nhân vốn không đi đứng được, sau mổ lại nằm một chỗ nên khả năng tái phát cao", bác sĩ Khoa phân tích. Thương cảm bệnh nhân và người nuôi bệnh đặc biệt, các y bác sĩ đã tạo điều kiện thuận lợi, ưu ái hơn cho họ. Thân nhân bệnh nhân cùng nằm viện cũng hỗ trợ hai chàng trai trong việc vệ sinh, xoay trở. Sinh hoạt của người khuyết tật ở viện rất khó khăn, mỗi lần tắm rửa Đức đều phải nhờ mọi người đẩy xe lăn vào nhà vệ sinh và đỡ đần nhiều thứ.

Suốt thời gian dài chăm bạn, ngày ngồi từ 5h sáng đến tận 11h khuya trên xe lăn, đêm trải chiếu ngủ dưới giường bệnh, sức khỏe của Đức cũng sa sút. Đức phải về Lâm Đồng nghỉ ngơi chữa trị vết loét của bản thân cho hồi phục để lấy sức xuống chăm bạn tiếp. Những ngày vắng mặt, Đức thuê một người chăm bệnh cho Linh.

Từng trải qua những đớn đau tột cùng, hy vọng có thể hồi phục rồi lại thất vọng sống trong cảnh tàn phế, Đức hiểu hơn ai hết những tâm tư của người cùng cảnh ngộ. Bố mất khi Đức chưa tròn hai tuổi, mẹ tần tảo làm thuê nuôi hai chị em. Đến lúc chị gái lấy chồng xa, gánh nặng cơm áo vừa vơi bớt thì cách đây 2 năm Đức ngã từ trên cao xuống khi đang làm việc. Sốc tinh thần, Đức nhịn ăn 10 ngày để mong được chết. Nhìn mẹ cạn nước mắt khóc con, Đức tự vực dậy bản thân và bước ra cuộc đời. "Em nhận ra mình may mắn hơn các bạn. Xung quanh còn quá nhiều cảnh khổ cần chia sẻ, động viên nhau vượt qua", Đức trải lòng. Những công việc thiện nguyện dưới sự ủng hộ hết lòng của mẹ giúp Đức cảm thấy "mình không còn là người khuyết tật, vẫn có thể mang đến nụ cười cho những người khó khăn hơn". 

"Nếu không có Đức cuộc đời mình chẳng biết sẽ về đâu", Linh nắm chặt tay bạn trước lúc Đức rời khỏi phòng bệnh để tạm về nhà. Dẫu biết gánh nặng chi phí và nhiều khó khăn chất chồng, Đức vẫn vững niềm tin "Linh còn nhiều duyên phúc, rồi sẽ được mọi người sát cánh đồng hành".