Réhahn, một nhiếp ảnh gia người Pháp, đang kêu gọi bạn bè chung tay giúp đỡ trẻ em trên Sa Pa có đủ áo ấm trong mùa đông lạnh giá này.
Chia sẻ với PV VietNamNet, Réhahn cho biết khi nghe tin Sa Pa có tuyết, anh liền đi từ Hội An lên đó, với mục đích ban đầu là đem chút quần áo ấm cho cô bé người Mông tên Sung, mà anh quen cách đây 3 năm. Khi lên đến nơi, chứng kiến cảnh người dân và trẻ em nơi đây chống chọi với cái lạnh -2 độ C, bằng đôi chân trần và tấm áo mỏng, anh đã quyết định kêu gọi bạn bè quyên tiền mua áo ấm cho các em.
“Khi tôi đến nơi thì trời rất lạnh, vừa mưa vừa có tuyết rơi. Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy những đứa trẻ ngồi ở vệ đường ướt nhẹp, hơ tay trên những đống lửa để sưởi ấm. Tôi không thể tưởng tượng được rằng người ta lại để mặc chúng như thế. Tôi quyết định chụp ảnh lại và viết bài chia sẻ trên trang cá nhân để quyên góp tiền. Sau một đêm, tôi đã quyên được 600 đô và dùng số tiền này để mua áo ấm, găng tay, ủng cho các em nhỏ”, Réhahn chia sẻ.
Những đứa trẻ Sa Pa trong cái lạnh -2 độ C qua ống kính của Réhahn.
Réhahn cho biết thêm, hiện tại các trường học trên Sa Pa đều đóng cửa nên lũ trẻ vẫn lang thang trên đường phố, chúng chơi đùa, đốt lửa để đỡ lạnh hơn.
“Tôi mong là mỗi khách du lịch có thể mua cho các em nhỏ đôi găng tay trước khi “tự sướng” với tuyết”, Réhahn nói thêm.
Chàng trai người Pháp chia sẻ rằng, ở đất nước của anh, tuyết rơi mùa đông là chuyện rất bình thường. Anh đã trải qua không biết bao nhiêu mùa tuyết nhưng là với áo ấm, tất, mũ, găng tay, ủng, máy sưởi và socola nóng hổi. Còn những gì anh chứng kiến ở Sa Pa là những đứa trẻ, cụ già người dân tộc thiểu số rất nghèo. Họ chống chọi với cái lạnh -2 độ C không tất, không giày.
“Có đứa được chiếc áo len hoặc chiếc áo khoác mỏng, đứa khác thì không. Người già đối mặt với nguy cơ tử vong cao bởi quá lạnh. Người Mông, người Dao, người Xa Phó ở đây sống trong những ngôi nhà tranh, vách hở, gió lùa lạnh buốt. Tuyết rơi đột ngột khiến họ không có nhiên liệu để sưởi ấm, họ phải đốt cháy nhựa, và bất cứ mảnh vụn gì họ tìm thấy để giữ ấm, tuy nhiên điều này lại khiến họ đối mặt với việc hít phải khí độc hại, bao gồm cả trẻ em và người già.
Tôi yêu những con người nơi đây, và tôi đến Sa Pa để giúp đỡ. Tôi sẽ mua chăn, áo khoác, tất và mũ len cho những người nghèo nơi đây. Nhưng càng đi, tôi càng thấy rằng sức của một mình mình thì không thể, vì vậy tôi kêu gọi mọi người chung tay cùng tôi, 5 đô hay 50 đô đều có ích vào lúc này”, Réhahn chia sẻ.
Réhahn, sinh năm 1979, tại Normandy, Pháp. Anh có niềm đam mê du lịch và nhiếp ảnh mãnh liệt. Réhahn đi du lịch để gặp gỡ những con người và ghi lại khoảnh khắc tự nhiên nhất của những người mà anh đã gặp. Thông qua những miền xa này mà Réhahn tìm hiểu được thêm những nền văn hóa mới và quan trọng nhất, để anh học chụp ảnh theo cách đặc biệt của riêng mình.
Năm 2007, trong chuyến đi làm nhiệm vụ cùng với một tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam, Réhahn đã đem lòng yêu mến con người nơi đây. Anh bắt đầu dành nhiều thời gian hơn vào khám phá Việt Nam và văn hóa của nước này thông qua ống kính máy ảnh của mình trong chuyến đi hàng năm của mình tại Việt Nam. Đến năm 2011, Réhahn quyết định chuyển đến sống tại khu phố cổ nhỏ bé ở Hội An, Việt Nam.
Bảy năm ở Việt Nam đi du lịch bằng chiếc xe máy của mình, dù mới chỉ đi hết ¼ đất nước, Réhahn đã chụp được hơn 40.000 bức ảnh; Anh đã xuất bản 1 cuốn sách ảnh gồm 145 tấm với tên gọi “Việt Nam – Những mảnh ghép tương phản” (“Vietnam – Mosaic of Contrasts.”).