Không có giai điệu hào hùng, hiệu triệu, chỉ với giai điệu nhẹ nhàng, da diết, lắng đọng, giàu cảm xúc, ca khúc "Ba ơi! Mẹ chưa về" của chàng trai trẻ Phan Thuận Thành nhanh chóng ghi dấu đậm nét trong lòng người nghe bởi ca từ ý nghĩa, cổ vũ tinh thần, những nỗi phiền muộn như được vơi đi phần nào nhất là trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.
Tác giả Phan Thuận Thành chia sẻ, giữa lúc cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19, nhiều người quen của anh có vợ hoặc chồng làm bác sĩ đều chung tâm sự về sự cách xa. Đặc biệt, anh có một người chị họ công tác tại Bệnh viện nhi đồng TP Hồ Chí Minh, đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày, không được về nhà. Hai con nhỏ ở nhà do chồng chị chăm sóc, đêm đêm trước khi ngủ các con lại hỏi: "Ba ơi, mẹ chưa về nữa sao?", khiến người chồng chạnh lòng.
Phan Thuận Thành chia sẻ thêm: "Thành cũng muốn có một ca khúc, một sản phẩm gì đó gửi đến người chị của mình. Trùng hợp anh Ngọc Huân (Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ) có đề xuất ý kiến và tôi bắt tay vào viết ngay ca khúc. Chỉ trong vòng 30 phút, tôi đã viết xong lời và nhạc cho ca khúc "Ba ơi! Mẹ chưa về". Sau đó, tôi gửi cho anh Nhật Minh phối nhạc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong vòng 1 tuần để có sản phẩm gửi đến mọi người".
Là người tham gia thể hiện ca khúc, ca sĩ Thanh Quang, hiện hoạt động tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ bày tỏ: "Khi xem các phóng sự về các y, bác sĩ tuyến đầu dù mệt mỏi nhưng vẫn luôn cố gắng để đẩy lùi dịch bệnh, giúp cho nhân dân cũng như đất nước trở về cuộc sống bình yên; qua câu chuyện của chính tác giả, tôi cũng thấy đồng cảm. Từ những điều đó tôi có thể dễ dàng lấy được cảm xúc để thể hiện ca khúc tốt nhất".
"Đừng buồn anh nhé, đêm nay sẽ là đêm thật dài. Dài như những lúc xưa ta giận nhau. Dài như nỗi nhớ em mong về anh. Chờ ngày mai bình minh lại đến. Chờ ngày mai dịch kia sẽ không còn. Là ngày cả nhà chúng ta được ở bên nhau...", một bản ballad thật đẹp và nhiều thông điệp trong "Ba ơi! Mẹ chưa về" đánh dấu thành công trên hành trình theo đuổi đam mê của Thuận Thành.
Phan Thuận Thành có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, nhưng tự tin nhất là kèn saxophone, đàn piano và đàn guitar. Ngay từ lúc còn là học sinh, anh đã là thành viên cốt cán trong CLB Guitar của Trường THPT Phan Ngọc Hiển (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) và sáng tác ca khúc đầu tay năm học lớp 11. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, đến nay, anh đã sáng tác gần 20 ca khúc với nhiều chủ đề: Đoàn, Đội, tình yêu cuộc sống.
Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, công việc lái xe bị đình trệ, Thuận Thành xem "trong cái rủi có cái may" khi anh tận dụng khoảng thời gian này để tập dượt, trau dồi kỹ năng chơi các nhạc cụ, sáng tác ca khúc. Anh có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, nhưng tự tin nhất là kèn saxophone, đàn piano và đàn ghi-ta. "Tôi còn trẻ, tôi ráng làm để kiếm tiền. Vì có tiền tôi mới có thể đầu tư cho âm nhạc. Với tôi, âm nhạc là niềm đam mê bất tận", Thuận Thành tâm tình.
Phan Thuận Thành nói: "Tất cả các ca khúc chống dịch đều mang một ý nghĩa rất to lớn, tôi muốn đóng góp một phần thông qua âm nhạc, nghệ thuật. Đây cũng là một cách tuyên truyền ý thức cho người dân cùng chống dịch, cho dịch bệnh mau kết thúc. Còn bản thân tôi, sau khi hết dịch thì tôi vẫn tiếp tục thực hiện các công việc khác để đầu tư cho đam mê âm nhạc của mình, tiếp tục sáng tác để cổ vũ cho phong trào Đoàn – Đội của địa phương, thành phố. Đặc biệt là những ca khúc về Cần Thơ, để nhiều người biết đến hơn về quê hương của mình".